Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng: Khi đất nước cần, con xin xếp bút nghiên lên đường ra trận.

Phạm Ngọc Hùng, chàng trai tuổi 18, sinh ra và lớn lên trên con phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khi đó còn mang trong lòng nhiều hoài bão trên giảng đường. Vừa đỗ đại học, chàng trai Phạm Ngọc Hùng gác lại giấc mơ trên giảng đường để lên đường nhập ngũ, hòa mình cùng dòng người ra trận. “Mẹ cất tấm giấy học đại học đó đi cho con. Chiến thắng trở về con học tiếp mẹ ạ. Con thích học lắm chứ, nhưng trai thời chiến, con phải xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Lời anh nói ngày chia tay vẫn còn vọng mãi.

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Ngày 4/9/1969, anh tạm biệt gia đình, bạn bè, hàng xóm trên con phố Trần Quốc Toản để lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Không chỉ riêng anh, những ngày đó, hàng vạn thanh niên Hà Nội cùng hòa nhịp trong khí thế ‘xếp bút nghiên ra mặt trận’, gác lại ước mơ trên giảng đường để lao vào tuyến lửa. Trên khắp các con phố, trong mọi góc trường, tiếng loa truyền tin như lời hiệu triệu thiêng liêng, nối kết thế hệ thanh niên trí thức thành một dòng chảy hào hùng. Họ sẵn sàng chia tay gia đình, bạn bè, thề đem tuổi xuân dâng hiến cho đất nước, cùng toàn dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, để ngày mai hòa bình được nối dài trên mọi nẻo quê hương. Trên những chặng hành quân gian khổ nơi Tây Nguyên, cùng đồng đội ngủ trên võng trong mưa rừng, đói khát nơi tuyến lửa, vẫn kiên gan giữ vững niềm tin sắt son, vượt mọi thử thách trên con đường ra trận. Trong hơn hai năm quân ngũ, chiến sĩ Phạm Ngọc Hùng vẫn tìm mọi cách để tranh thủ chút thời gian hiếm hoi trên đường hành quân hay giờ nghỉ luyện quân để ghi lại tâm tư, niềm nhung nhớ, khát vọng hòa bình cùng lời động viên ân cần trong 60 bức thư gửi về nhà.

56t1
Bộ đội hành quân trên chiến trường Tây Nguyên 1971 – Ảnh: Tư liệu

Bức thư trong lọ Penicillin niềm hi vọng thiêng liêng

Chiến sĩ Phạm Ngọc Hùng hy sinh trên chiến trường Kon Tum trong trận đánh ác liệt nơi cao điểm Tây Nguyên, nơi bom đạn cày xới, khói lửa nghi ngút. Khi đó, anh cùng đồng đội đối mặt với quân thù trong thế giằng co ác liệt, quyết tâm giữ vững trận địa, anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Năm 1971, khi mới tròn 20 tuổi, anh ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng đồng đội. Đặc biệt, có một bức thư được anh cẩn thận bỏ trong lọ penicillin thả xuống dòng suối trên Tây Nguyên, với niềm hi vọng mong manh được gửi tận tay gia đình. Kỳ diệu thay, bức thư đó vẫn tìm được đường về, đem theo chút tâm tư cuối cùng của người con hiếu thảo, dẫu khi đó chiến sĩ Phạm Ngọc Hùng đã hòa mình cùng đất mẹ.

z6719952065489 61b9926909dc3b6ed80cc79a2140928a
Liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng

Đã rất nhiều người con trên mảnh đất Việt Nam này đã tận hiến cuộc đời và tuổi trẻ như liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng. Ngọn lửa nối tiếp thế hệ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, trong sử xanh dân tộc, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay về lý tưởng cao đẹp, về lòng quả cảm,  niềm tin sắt son của những người con trên mảnh  đất Việt Nam những ngày đất nước còn trong khói lửa. Đó là lời nhắn nhủ thiêng liêng, động lực để thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống, giữ vững trách nhiệm bảo vệ và xây dựng đất nước trong hòa bình, tự hào và tự tin tiến về tương lai.

Nguyễn Bá Phước 

Bài viết liên quan