Nên áp dụng thuế khoán đối với hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, doanh thu dưới 1 tỷ đồng

Doanh thu dưới 1 tỷ thì nên áp dụng thuế khoán
Liên quan tới vấn đề thu thuế hộ kinh doanh mà hiện nay bỏ thuế khoán, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Việc bỏ thuế khoán là hết sức đúng đắn và đã được thể hiện chung trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền quy định về thuế khoán theo mức doanh thu tính thuế, tạo thuận lợi cho những hộ nghèo, những hộ buôn bán nhỏ và đảm bảo vấn đề dân sinh. Ví dụ, đối với những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ mà doanh thu dưới 1 tỷ thì “nên khoán”, vì nếu xuất hóa đơn, hộ kinh doanh sẽ rất thiệt thòi, bởi các hộ buôn bán nhỏ không có hóa đơn đầu vào… Phó Thủ tướng lý giải, bản chất thuế hộ có 3 khoản thuế là: Thuế môn bài (các hộ kinh doanh vẫn đóng bình thường), thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân.Do vậy, nếu áp dụng chính sách thuế khoán với hộ có doanh thu nhỏ thì sẽ đảm bảo thuận lợi cho cơ quan thuế, cũng như hộ kinh doanh mà không thất thu ngân sách nhà nước. Còn đối với các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, chẳng hạn trên 1 tỷ đồng và có địa điểm kinh doanh ổn định thì cần thu theo hóa đơn để vừa bảo đảm minh bạch, vừa chống thất thu, vừa tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh này lớn lên trở thành doanh nghiệp.
Thúc đẩy đầu tư công trở thành động lực và dẫn dắt nguồn đầu tư trong toàn xã hội
Đối với tiêu dùng, thời gian qua, vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng như: nâng lương, chi trả cho sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết 187, đẩy mạnh thương mại điện tử, phát triển du lịch và thương mại, đảm bảo ổn định giá tiêu dùng và giảm thuế (ví dụ: giảm thuế VAT, lệ phí ô tô, các loại phí khác và tiền thuê đất…). Đây là những yếu tố này góp phần tăng cường tiêu dùng, thúc đẩy phát triển. Về ý kiến của đại biểu về thuế tiêu thụ đặc biệt tác động đến doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Chẳng hạn, đối với xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hàng không đã giảm 70%, xăng dầu thông thường giảm 5%. Đối với ô tô thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đã được miễn… Đây đều là những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Huy động tổng thể các nguồn lực để đầu tư phát triển
Về phát triển hạ tầng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, vươn mình kiến tạo những công trình thế kỷ như đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các tuyến đường sắt đô thị, sân bay Long Thành, các tuyến đường bộ cao tốc… Nhấn mạnh, nhu cầu về vốn cho những dự án này là rất lớn và phân tích rõ số vốn cần thiết để đầu tư, Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng ta sẽ huy động nguồn lực từ FDI, PPP, ODA và từ các nguồn đầu tư khác. Đồng thời, sẽ kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo nợ công không vượt trần Quốc hội cho phép. Điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ một cách hợp lý, trên tinh thần tiết kiệm, để phục vụ cho đầu tư phát triển, từ đó tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội”.
Triển khai nhiều chính sách khoan thư sức dân
Có ý kiến cho rằng suất thuế của chúng ta cao, nhưng thực tế, suất thuế của Việt Nam thấp hơn mức bình quân chung của thế giới. Ví dụ, thuế VAT của chúng ta là 10%, hiện đã giảm 2% còn 8%, trong khi mức thuế VAT trung bình thế giới là 17-27%. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở thế giới là 20-33%, Châu Á là 20-35%, nhưng ở Việt Nam chỉ cao nhất là 20% và có nhiều khoản thu chỉ 5-10%. “Điều này cho thấy chính sách thuế của chúng ta có nhiều ưu đãi, thể hiện chính sách khoan thư sức dân”. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là việc tiết kiệm cả chi đầu tư và chi thường xuyên để có nguồn lực thực hiện các công trình trọng điểm, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và đảm bảo an sinh xã hội.Đối với các dự án BT và BOT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là hình thức đầu tư tốt, nhưng cần tránh lạm dụng như thời gian vừa qua. Các dự án PPP cần được kiểm soát chặt chẽ về tổng mức đầu tư, công nghệ, chất lượng và hiệu quả, minh bạch.
Theo Cổng thông tin Chính Phủ