Vải VietGAP giữ giá, người trồng kỳ vọng thị trường ổn định đến cuối vụ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, năm 2025, diện tích vải thiều toàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức 29.700 ha, bao gồm 8.000 ha vải sớm và 21.700 ha vải chính vụ. Sản lượng dự kiến đạt 165.000 tấn, trong đó vải sớm ước tính 60.650 tấn và vải chính vụ 104.350 tấn. Giá trị sản xuất vải thiều được kỳ vọng đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Lục Ngạn, Bắc Giang đang vào cao điểm thu hoạch vải thiều chính vụ. Trên thực tế, giá vải thiều hiện nay có sự phân hóa rõ rệt giữa sản phẩm đạt chuẩn VietGAP và vải trồng theo phương pháp truyền thống, đại trà.
Tại các xã như Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Mộc nơi tập trung các vùng trồng vải VietGAP lâu năm giá vải loại 1 hiện được thương lái thu mua ổn định, đặc biệt giống vải u hồng có mẫu mã đẹp, ngọt thanh được các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu ưa chuộng. Vải lai Thanh Hà cũng có mức giá cao. Hiện tại trong sáng nay 21 tháng 6 giá vải công bố trên các cửa hàng điện tử bán lẻ đều ở mức trên 30.000 ngàn đồng. Đây được xem là mức giá khá tốt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chưa thật sự sôi động. Ngoài ra tại các điểm bán lẻ (kênh của người dân) người tiêu dùng trong nước đang có xu hướng thu mua vải cổ thụ, tức các cây vải có tuổi đời lâu năm với giá bán cao.

Ông Trịnh Văn L. hộ dân có hơn 3 ha vải đạt chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang cho biết: “Từ đầu vụ đến giờ, giá vải loại đẹp của tôi đều bán được giá 30.000 32.000 đồng/kg, ổn định hơn mọi năm. Quan trọng là thương lái chọn vải kỹ, yêu cầu chất lượng đồng đều và giấy tờ chứng nhận VietGAP đầy đủ.”

Ngược lại, ở một số vùng chưa áp dụng quy trình VietGAP, vải thiều trồng theo phương pháp truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, không đồng đều về chất lượng, hiện chỉ có giá dao động từ 15.000 đồng/kg tuỳ loại. Vải loại 3, mẫu mã xấu, bị dập hoặc chín ép thậm chí chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ dân thu không đủ chi phí chăm sóc, nhân công.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch giá giữa hai nhóm sản phẩm nằm ở yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, kênh tiêu thụ truyền thống qua thương lái nhỏ lẻ vẫn phụ thuộc lớn vào giá cả thị trường và đầu ra không ổn định. Hiện tại, dù thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch còn đang chờ đợi thông quan mạnh hơn, các doanh nghiệp thu mua vải VietGAP để cung cấp cho hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Úc… vẫn duy trì mức giá thu mua tương đối tốt.

Vụ vải thiều 2025 ở Lục Ngạn được đánh giá là cho chất lượng quả đồng đều, mẫu mã đẹp, song sự phân tầng về giá cũng cho thấy cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi quy hoạch tốt hơn nữa sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết tiêu thụ bền vững, thay vì trông chờ vào thương lái tự phát.
CTV Hà Thu