Tây Ninh (cũ): Thanh tra phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đất đai và khoáng sản
Theo kết luận thanh tra, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đất đai và khoáng sản, dẫn đến việc chưa thu đúng, đủ nguồn thu ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 7,15 tỷ đồng và chưa hoàn thiện thủ tục đối với 237.235,1m² đất.

Nhiều hạn chế, vi phạm
Thanh tra tỉnh Tây Ninh (cũ) đã ban hành Kết luận thanh tra số 31/KL-TTr ngày 26/6/2025 về việc thanh tra chuyên đề về công tác quản lý thăm dò, khảo sát, quy hoạch, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng.
Trong giai đoạn thanh tra từ năm 2019 đến tháng 6/2024, UBND tỉnh Tây Ninh (cũ) đã cấp 23 giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng và 37 giấy phép khai thác cho 37 mỏ, trong đó có 8 giấy phép khai thác cát xây dựng và 29 giấy phép khai thác đất san lấp, vật liệu san lấp. Ngoài ra còn có 30 giấy phép được cấp trước thời điểm thanh tra nhưng được gia hạn thời gian khai thác nên trong giai đoạn thanh tra còn khai thác.
Theo kết luận thanh tra, các cơ quan tham mưu đã cơ bản thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác thi hành Luật Khoáng sản. Từ đó, đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế, vi phạm. Cụ thể, việc tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND ngày 12/4/2021 quy định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn chậm. Công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra, thực hiện pháp luật về khoáng sản có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Đối với các chủ đầu tư, trong hoạt động khai thác khoáng sản có một số trường hợp chủ đầu tư khai thác chưa đúng theo giấy phép đoàn thanh tra đã có kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, các đơn vị vi phạm đã khắc phục xong. Về đóng cửa mỏ, một số chủ đầu tư có giấy phép khai thác hết hạn quá 6 tháng, mặc dù đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường mời làm việc, cam kết kết thực hiện nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ.
Về nghĩa vụ tài chính, có 21/29 giấy phép, chủ đầu tư khai thác khoáng sản kê khai, quyết toán phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đầy đủ, vi phạm quy định của Luật Thuế tài nguyên; Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 12/2016/TT-BTC và Thông tư số 174/2016/TT-BTC; Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường; Luật Quản lý thuế và các văn bản có liên quan. Tổng số tiền còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước là hơn 7,15 tỷ đồng; trong đó, đã khắc phục nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 938 triệu đồng.
Đối với việc quản lý đất đai, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đăng ký biến động đất đai sau khi được UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; dự án hết thời hạn sử dụng đất nhưng không gia hạn sử dụng đất (đối với trường hợp gia hạn giấy phép khai thác).
Kiến nghị tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo kết luận thanh tra, các hạn chế, vi phạm được xác định là vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, đất đai và khoáng sản, dẫn đến việc chưa thu đúng, đủ nguồn thu ngân sách Nhà nước theo quy định với số tiền hơn 7,15 tỷ đồng; việc sử dụng đất chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định với tổng diện tích 237.235,1m2. Bên cạnh đó, việc chưa đóng cửa mỏ đúng quy định có thể gây ra những khó khăn trong công tác quản lý môi trường và an toàn sau khai thác.

Kết luận thanh tra cũng đã chỉ ra nguyên nhân đối với các tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Theo đó, đối với cơ quan tham mưu có lúc còn chậm tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện liên quan đến lĩnh vực quản lý; chưa kịp thời kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản, chưa tính đúng, tính đủ các loại thuế, phí các chủ đầu tư phải nộp.
Đối với các chủ đầu tư, nguyên nhân chính là do chấp hành không đúng các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản nên dẫn đến các sai phạm như đã nêu trong kết luận thanh tra, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về các sai phạm này.
Liên quan đến số tiền các doanh nghiệp nộp thiếu vào ngân sách Nhà nước được phát hiện qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chi cục Thuế khu vực XVI kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư và áp dụng các biện pháp thu hồi số tiền này. Đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thu đủ, đúng quy định.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường…) đối với các giấy phép chưa có quyết định đóng cửa mỏ và chưa được đoàn thanh tra kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND xã và cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra, rà soát, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản để đảm bảo việc thu nộp ngân sách được đầy đủ.
Thanh tra tỉnh Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động khai thác khoáng sản và sử dụng đất đai trên địa bàn theo thẩm quyền; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, đất đai.
UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường, cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan trong việc quản lý, theo dõi tình hình hoạt động khoáng sản và đôn đốc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư trên địa bàn.
Theo: Báo Thanh Tra