Dự án nông nghiệp tại Kiên Giang: Treo đến bao giờ?
Kỳ 2: Bên trong những cánh cửa đóng im,đất sản xuất và biến thành nơi diễn xuất.
Chúng tôi trở lại vùng đất từng được vẽ lên như giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao giữa đồng bằng xã Hòn Đất ( trước đây thuộc xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) tỉnh An Giang sau gần một tháng kể từ khi kỳ 1 được đăng tải. Nhưng điều thay đổi duy nhất không phải là sự khởi động dự án, mà là vài vệt cày vội vàng, vài máy móc nằm ngổn ngang như những chiếc bóng gồng mình diễn một màn kịch không có khán giả.

Trên cánh đồng được cày chống chế nham nhở, xen lẫn những bụi cỏ năn và cây hoang dại mọc tua tủa, chúng tôi không còn thấy hình ảnh lúa trổ bông như phản ánh trước đó. Những dấu vết còn sót lại cho thấy nơi đây từng là một vụ mùa, nhưng điều đọng lại là sự bỏ quên. Một nông dân địa phương chỉ tay về phía ruộng, giọng không giấu được xót xa:
“Vụ trước cũng chín vàng cả cánh đồng, mà không ai gặt. Cứ để vậy mà mục.”

Theo người dân, đó không phải là sơ suất mà là một “thói quen lạ” sạ rồi để đó, không chăm sóc, không thu hoạch. Dù đất này là vùng hai vụ, nước đầy, phù sa màu mỡ, nhưng doanh nghiệp chỉ làm qua loa như để giữ quyền, không phải để sản xuất mà diễn xuất.
Lần trở lại này, chúng tôi ghi nhận một vài luống đất bị xới sơ sài nhưng không hề có dấu hiệu chuẩn bị vụ mới. Không làm cỏ, không sạ giống, không người trông coi. Những chiếc máy cày nằm bất động giữa đám cỏ cao quá đầu gối, như thể vừa diễn xong một cảnh trình diễn nửa vời.

Chiếc chìa khóa nằm ở đâu hay chưa từng được trao đúng tay?
Mười hai năm kể từ ngày giao đất, doanh nghiệp Phan Minh vẫn chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính, chưa triển khai gì đáng kể, và cũng chưa trả lại phần đất đã bị thu hồi. 245 hecta còn lại được giữ lại như một canh bạc nửa vời, với niềm tin mà có lẽ chính quyền cũng không còn đủ lý lẽ để bảo vệ.
Một Hội viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh làm kinh tế tỉnh Kiên Giang ( cũ) nay là tỉnh An Giang, người từng canh tác tại đây, chia sẻ:
“Đất này ngày xưa chúng tôi làm hai vụ đều đều. Bây giờ họ cấy xong bỏ đó, lúa chín cũng không gặt. Làm vậy đâu phải nông nghiệp là diễn cho ai xem?”
Lời nói nhẹ nhàng nhưng nặng như chì. Không phải ai cũng có nhu cầu trồng lúa, nhưng ai cũng hiểu: đất lúa bị biến thành công cụ giữ chỗ thì không còn là đất để sống, mà là đất để chờ thời.

Khi dự án không triển khai, khi nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành, khi ruộng không gặt mà chỉ được cày sơ để đối phó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp đang chây ì bằng mọi biện pháp để chờ một cuộc sáp nhập, một điều chỉnh quy hoạch, hay một cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng? Khi đó, quyền sử dụng đất trở thành “của để dành” trong một cuộc chơi khác nơi ruộng không còn là nơi sinh lợi từ mồ hôi, mà từ văn bản và dấu mộc.
Và chính trong khoảng trống thẩm quyền ấy, cỏ dại mọc lên từng ngày. Không phải từ đất, mà từ sự nhân nhượng.
Nếu đúng như vậy, thì mảnh đất ấy đang phản chiếu nghịch lý của chính sách: chúng ta khao khát phát triển, nhưng lại mở cửa cho sự bất động chỉ vì không dám đóng lại một cánh cửa đã quá lâu không mở.
Kỳ sau: Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu vào các hợp đồng, các mối quan hệ lợi ích, và đặt câu hỏi: Ai đang thực sự hưởng lợi từ sự im lặng kéo dài này?
Bá Phước – Bích Khuê