Giáo viên sẽ không còn được nghỉ hè 8 tuần
Từ 1/1/2026, Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực, quy định cứng về thời gian nghỉ hè sẽ không còn.

Kỳ nghỉ hè được xem là khoảng lặng quý giá trong nhịp sống bận rộn của nghề giáo. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi để thầy cô tạm rời bục giảng, trở về với gia đình, sống đời sống cá nhân, và tái tạo năng lượng sau một năm học dài đẳng đẵng.
Trước đây, các văn bản quy định về chế độ làm việc của nhà giáo đã ghi rõ: giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt được nghỉ hè tối đa 8 tuần mỗi năm (kể cả phép năm), như một quyền lợi đặc thù nhằm bù đắp cho việc làm việc theo năm học thay vì theo năm dương lịch.
Từ 1/1/2026, Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực, quy định cứng về thời gian nghỉ hè sẽ không còn.
Khoản 3, Điều 16 quy định: “Thời gian nghỉ hè hàng năm và các ngày nghỉ khác của nhà giáo được bố trí phù hợp đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và loại hình cơ sở giáo dục theo quy định của Chính phủ.”
Quy định “mở”mang lại thuận lợi gì?
Xét về lý thuyết quản lý, quy định “mở” này mang ý nghĩa tích cực khi trao thêm quyền chủ động cho các cấp quản lý giáo dục địa phương. Không còn một con số cứng “8 tuần” cho mọi trường, mọi địa bàn, các đơn vị giáo dục có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch nghỉ sao cho phù hợp với đặc thù cụ thể.
Thật vậy, các trường mầm non, tiểu học thường kết thúc năm học sớm hơn trung học phổ thông. Các vùng cao, vùng lụt bão có lịch học lệch mùa. Các trường đại học, cao đẳng hoạt động theo học kỳ linh hoạt. Rõ ràng, quy định mở tạo điều kiện cho các đơn vị dễ thích ứng với đặc thù địa phương.
Bên cạnh đó, hè vẫn là thời gian phù hợp để bổ sung hoạt động chuyên môn: tập huấn, ôn thi, bồi dưỡng học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất… Tâm lý “nghỉ là hết trách nhiệm” sẽ được thay bằng tâm thế chủ động, linh hoạt và trách nhiệm hơn với nghề.
Đôi điều băn khoăn khi quy định linh hoạt
Vấn đề đặt ra là: linh hoạt đến đâu là vừa đủ? Ai quyết định “phù hợp”? Giáo viên được nghỉ tối thiểu bao nhiêu tuần? Trong hè, nhà trường được triệu tập bao nhiêu ngày?
Câu trả lời cho những câu hỏi đó hiện chưa có trong Luật, mà đợi văn bản hướng dẫn sau. Trong khi đó, ngay cả khi quy định nghỉ 8 tuần còn hiện hành, nhiều giáo viên vẫn liên tục bị triệu tập hè đi trực, lao động công ích, đánh giá thi đua…
Cái gọi là “phù hợp” rất dễ biến tướng thành một dạng “phù phép” để khai thác quá mức thời gian của giáo viên trong mùa hè. Không có giới hạn cụ thể, quyền nghỉ trở thành điều mong manh.
Ở những trường có hiệu trưởng công tâm, thấu hiểu và tôn trọng quyền nghỉ ngơi của giáo viên, thì kỳ nghỉ hè thường được bố trí hợp lý, đúng thời gian, đúng tinh thần của luật. Giáo viên được nghỉ đủ, nghỉ đúng để phục hồi sức khỏe, chăm sóc gia đình và học tập nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng như vậy. Tại một số trường, khi không còn con số cụ thể làm chuẩn, khái niệm “bố trí phù hợp” rất dễ bị diễn giải theo hướng có lợi cho người ra quyết định. Có nơi, hiệu trưởng vin vào sự “linh hoạt” để giao thêm việc cho giáo viên trong hè: từ lao động công ích, trực trường, cho đến những việc không tên như trang trí lớp, dọn vệ sinh, làm sổ sách… mà không có chế độ rõ ràng.
Điều đáng lo là, khi không có quy định cụ thể về số ngày nghỉ tối thiểu, giáo viên cũng không thể phản hồi, chất vấn hay từ chối một cách chính đáng. Mọi ý kiến đều có thể bị quy về “thiếu hợp tác”, vì đâu có văn bản nào nói họ “phải được nghỉ bao lâu”?
Không dừng lại ở việc bị gọi lên trường, nhiều giáo viên còn rơi vào thế bị động. Vì không biết mình có được nghỉ bao lâu, được triệu tập khi nào, nên họ không dám lên kế hoạch du lịch, học bồi dưỡng dài hạn, hay sắp xếp công việc cho con cái, cha mẹ. Kỳ nghỉ vốn để “xả hơi” giờ trở thành khoảng thời gian chờ đợi trong lo lắng: “Liệu tuần sau có phải đi không?”, “Bao giờ mới thực sự được nghỉ?”
Cần một khung rõ ràng để giáo viên nghỉ đúng, nghỉ đủ
Linh hoạt không có nghĩa là tùy nghi. Tôn trọng quyền nghỉ nghỉ ngơi của giáo viên là biểu hiện của một nền giáo dục nhân văn. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể mỗi cấp học nghỉ tối thiểu bao nhiêu tuần? Trường được huy động giáo viên trong hè bao nhiêu ngày?…
Chỉ khi những vấn đề ấy được quy định một cách cụ thể và rõ ràng, quyền nghỉ hè của giáo viên mới thực sự được bảo vệ. Khi đó, thầy cô sẽ trở lại trường với trọn vẹn nhiệt huyết, sức sống và niềm tin sẵn sàng tiếp tục gieo hạt trên những cánh đồng tri thức mới.
Theo: congdankhuyenhoc.vn