Di Linh – Lâm Đồng: Ròng rã kiện tụng đất đai vì đâu?
Trong thời gian qua, theo thống kế có rất nhiều vụ kiện tụng tranh chấp đất đai kéo dài, những lý do thường thấy nhất là do thủ tục pháp lý phức tạp; Các quy định về đất đai thường rất chi tiết, yêu cầu thời gian dài để thu thập và trình bày bằng chứng. Tranh chấp đất đai thường liên quan đến nhiều bên, dẫn đến việc thương lượng và giải quyết trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó việc chứng minh quyền sở hữu đất đai gặp khó khăn do thiếu giấy tờ hoặc thông tin không rõ ràng. Các quyết định của Toà Án còn gây nhiều tranh cãi dẫn đến thiếu sự đồng thuận nên tình trạng này trở nên phức tạp hơn. Dưới đây là phóng sự dài kỳ phản ánh về sự việc diễn ra tại Di Linh, Lâm Đồng về vụ khiếu kiện có nhiều điểm khuất tất cần làm rõ.
Kỳ 1: Hơn 10 năm khổ sở “đáo tụng đình”.
Khuất tất từ việc đo đạc.
Theo đơn của bà Trần Thị Thu, ngụ tại số nhà 1160/3, đường Hùng Vương, tổ 18, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng gửi đến cơ quan công luận với nội dung: Năm 1990 gia đình bà Thu có nhận sang khoán của bà Nguyễn Thị Phiên thuộc đội 4 HTX nông nghiệp Đông Di Linh 01 lô đất gồm 3 hàng cà phê mít; đến năm 1991, gia đình bà nhận sang khoán của bà Hồ Thị Lúc 01 lô đất gồm 03 hàng cà phê; tổng diện tích lô đất là 4.650m2, chiều rộng lô đất là 30 mét. Năm 1993 ông Nguyễn Văn Quỹ cũng sang khoán của bà Trần Thị Đó 01 lô đất gồm 03 hàng cà phê mít, chiều rộng đất của ông Quỹ chỉ có 15 mét. Trước đây giữa lô đất của gia đình bà Thu và ông Quỹ có một con đường đi chung dài khoảng hơn 100 mét là con đường đi chung để xã viên đi lại chăm sóc cà phê, vận chuyển phân bón và sản phẩm, con đường có chiều rộng khoảng 03 mét. Theo bà Thu, diện tích đất của bà là 02 lô nhận khoán, trong các giấy tờ liên quan cũng chứng minh điều này gồm: Sổ khoán đất đai, cây trồng, đứng tên ông Võ Đình Hoè (chồng bà Thu) diện tích được nhận khoán là 0,465ha có xác nhận của bà Hồ Thị Lúc. Tuy nhiên diện tích đất ông Quỹ chỉ là 01 lô nhận khoán, với một lô quy định chỉ có 15 mét chiều rộng. Thế nhưng diện tích đất sở hữu hiện tại của ông Quỹ là 20 mét chiều rộng là hết sức “bất thường”.
Bà Trần Thị Thu có đơn tranh chấp đất đai với ông Nguyễn Văn Quỹ, yêu cầu ông Quỹ trả lại nguyên trạng con đường đi chung cùng 2 mét đất lấn chiếm.
Nguyên nhân vụ việc nằm ở thời điểm năm 1999 (theo bà Thu cung cấp) khi địa chính tỉnh Lâm Đồng tiến hành đo đạc lại đât đai cho từng hộ dân, gia đình bà Thu vắng mặt không trực tiếp chỉ ranh giới đất mà bà Cao Hồng Ngân chỉ ranh giới đất cho địa chính đo đạc trong đó đã gồm đường đi dài 105 mét, rộng 3 mét. Nên bản đồ địa chính năm 1999 diện tích đất đường đi và một phần đất của bà Thu (2 mét ) nằm toàn bộ trong sơ đồ của ông Nguyễn Văn Quỹ. Tiếp nhận thông tin từ bà Thu khi hỏi “ vậy khi tiến hành đo đạc bà có được thông báo không?” thì câu trả lời là hoàn toàn không có một thông báo nào từ cơ quan chức năng gửi đến gia đình bà và bà Cao Hồng Ngân cũng không hề có tư cách pháp lý hay uỷ quyền đại diện cho gia đình bà Trần Thị Thu trong việc xác thực ranh giới đất đai. Vậy tại sao cơ quan địa chính vẫn tiến hành và thực hiện? Cả khi vắng mặt cũng không tuân thủ quy định luật đất đai trong trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.
Sự việc “đã rồi” này tới năm 2008 gia đình bà Trần Thị Thu mới phát hiện khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chồng bà Thu là ông Võ Đình Hoè làm đơn kiến nghị hợp tác xã và các ngành chức năng, vụ việc chưa được giải quyết thì ông Hoè qua đời vào tháng 01 năm 2009.
Một tháng sau khi ông Hoè mất, UBND thị trấn Di Linh thông báo cho bà Thu làm đơn để tiếp tục giải quyết.
Đường kẻ xanh là khu vực tranh chấp giữa bà Thu và ông Quỹ
Sau nhiều cấp, phòng, sở TNMT giải quyết thì sự việc vẫn chưa đi đến đồng thuận và cho tới nay vẫn dai dẳng hành trình “đáo tụng đình” tới cấp Trung Ương.
“Sung sướng gì cảnh chồng mới mất lại suốt ngày phải lên hoà giải tranh chấp, tuổi đã lớn mà đi từ cấp này đến cấp nọ, dự toà phiên này tới phiên kia đâu…nhưng tôi tin công lý phải chiến thắng, cái gì thuộc quyền sở hữu của tôi hiển nhiên phải thuộc về mình, nó không chỉ là tài sản mà còn là danh dự, là quyền và lợi ích mà pháp luật quy định” bà Thu chia sẻ.
Con đường chung có tồn tại đã mọc cánh mà bay?
Vậy có hay chăng từng tồn tại một con đường chung? Khái niệm một con đường chung khác với đất cá nhân mở đường để thuận tiện sinh hoạt, điều này chắc chắn ai cũng nắm rõ. Để xác minh chúng tôi đã gặp từng nhân chứng gắn bó với mảnh đất này sau giải phóng 1975.
Con đường cũ từng tồn tại ngay mũi tên kẻ
Theo ông Nguyễn Công Nhật 70 tuổi trú tại tổ 18, đường Hùng Vương, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “ Từ thời tôi về đây lập nghiệp năm 1991 tức còn nông trường Đông Di Linh cho tới khi thành lập HTX thì giữa ranh giới đất bà Thu và đất ông Quỹ (hiện nay) có tồn tại một con đường chung để vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, đây là con đường chung. Còn tới nay tôi cũng không hiểu lý do gì con đường này không tồn tại nữa”
Ông Nguyễn Công Nhật – người làm chứng
Còn theo ông Võ Văn Sáu trú tại số nhà 1170 đường Hùng Vương, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ( Nguyên chánh văn phòng Huyện Uỷ huyện Di Linh): “ Tôi về đây sinh sống từ tháng 6 năm 1981 thời kỳ Fulro còn hoạt động mạnh, do thường xuyên phải đi vào địa bàn nắm bắt tình hình nên tôi biết ở đây có một con đường rộng chừng 3 mét, dài hơn 100 mét, tức là con đường nằm giữa đất bà Thu và ông Quỹ bây giờ. Phía dưới cuối con đường này còn một nhà kho lợp bằng mái xi măng, thời kì giao khoán cho xã viên con đường này là đường chạy máy cày thường xuyên của bà con chở cà phê và phân bón. Tới thời kỳ ông Quỹ về con đường này vẫn còn. Mãi sau này tôi xuống thì không thấy con đường ấy nữa”.
Ông Võ Văn Sáu – người làm chứng
Còn theo ông Ngô Văn Sơn sinh năm 1956 trú tại số nhà 21A, đường Nguyễn Du, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ông cũng xác minh từ thời kì ông xuất ngũ theo điều động phân công về trạm vật tư nông nghiệp huyện Di Linh đối diện với khu đất của bà Thu thì con đường này từ năm 1987 ông cũng thường xuyên đi lại để thu tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ dưới đồng của bà con đồng bào thiểu số. Và cũng như những ý kiến của những nhân chứng khác, họ không hiểu lý do tại sao con đường này biến mất.
Ông Ngô Văn Sơn – người làm chứng
Để xác thực hơn, lục lại hồ sơ cấp đất cho ông Võ Đình Hoè năm 1984 trong quyết định số 229/UBND của UBND huyện Di Linh ngày 17 tháng 11 năm 1984 có ghi về diện tích: 1364m2 , rộng 31m, sâu 44m. Về ranh giới có ghi: Phía Đông giáp HTX nông nghiệp Đông Di Linh- Phía Tây giáp đất thổ cư ông Vương và ông Sửu – Phía Nam giáp đường đi ( tức con đường ranh giới đất bà Thu và ông Quỹ) – Phía Bắc giáp đất thổ cư ông Thạch và ông Tính. Vậy rõ ràng con đường từng tồn tại và đó là con đường chung vì văn bản ra quyết định không ghi đường này thuộc đất cá nhân nào sở hữu. Nếu như chính quyền hợp thức hoá con đường này vào diện tích đất của ông Quỹ thì hiện tại văn bản quyết định đó ở đâu mà sau nhiều lần dự toà ông Quỹ đều không chứng minh được? Hay chăng con đường này đã mọc cánh biết bay?
Quyết định cấp đất năm 1984 của UBND huyện Di Linh
Và tổng diện tích đất bà Thu bị “bốc hơi” 2 mét chiều rộng một cách rất khó hiểu dù nó tồn tại sờ sờ ra đó?
Cho tới nay sau nhiều cấp thẩm quyền giải quyết, qua nhiều phiên toà, câu hỏi tại sao biến đất đường thành đất của ông Quỹ và hợp thức hoá nó dựa trên quyết định nào vẫn còn bỏ ngỏ chờ câu trả lời thoả đáng thuộc về cơ quan chức năng. Và điều đáng lưu tâm là đất ông Quỹ chỉ có 15 mét được cấp lại “phình nở” ra thành 20 mét chiều rộng mà đến ngay cả ông Quỹ cũng không chứng minh được nguồn gốc tại sao có thêm 5 mét đất kia thì liệu mọi phán quyết ở toà có thoả đáng với đơn khiếu nại bà Trần Thị Thu hay không?
BK
“ Xin kết kì 1 với nhiều câu hỏi bỏ ngỏ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi với chính quyền các cấp để tìm ra câu trả lời. Trong kỳ tới chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn đọc về những vấn đề khác như cấp phép xây dựng khi đất còn tranh chấp tại toà cùng một số vấn đề khác liên quan”