Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu đối với sĩ quan quân đội, sĩ quan công an từ 1/7/2025
Bộ Quốc phòng đề xuất đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu đối với sĩ quan quân đội, sĩ quan công an.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. Dự kiến Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2025.
Điều kiện được hưởng lương hưu khi đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên
Trong đó, về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu (Điều 17), dự thảo Nghị định nêu rõ, người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này khi nghỉ việc, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, thực hiện theo lộ trình như sau:
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại (a) nêu trên và có tổng thời gian từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Khi xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đối với thời gian làm việc trước ngày 1/1/1995 để làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu thì căn cứ theo quy định của pháp luật về phụ cấp khu vực tại thời điểm giải quyết. Đối với địa bàn mà pháp luật về phụ cấp khu vực tại thời điểm giải quyết không quy định hoặc quy định hệ số phụ cấp khu vực thấp hơn 0,7 nhưng thực tế người lao động đã có thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên theo quy định tại các văn bản quy định về phụ cấp khu vực trước đây thì căn cứ quy định tại các văn bản đó để xác định thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu.
Trường hợp người lao động có thời gian công tác tại các chiến trường B, C từ ngày 30/4/1975 trở về trước và chiến trường K từ ngày 31/8/1989 trở về trước được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian này được tính là thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu.
Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động được thực hiện như sau:
c) Không phụ thuộc vào tuổi đời khi người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều kiện được hưởng lương hưu khi đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên
2. Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, khi nghỉ việc được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam quân nhân có đủ 25 năm trở lên, nữ quân nhân có đủ 20 năm trở lên công tác trong quân đội, mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng hoặc không chuyển ngành được.
Thời gian công tác trong quân đội bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, kể cả thời gian quân nhân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ quân đội;
b) Quân nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;
c) Nam công an nhân dân có đủ 25 năm trở lên, nữ công an nhân dân có đủ 20 năm trở lên công tác trong công an nhân dân, mà công an nhân dân không còn nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành được hoặc tự nguyện xin nghỉ.
Thời gian công tác trong công an nhân dân bao gồm thời gian là sĩ quan; hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; học viên đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, công nhân công an, kể cả thời gian công an nhân dân chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ công an nhân dân;
d) Người làm công tác cơ yếu có thời gian công tác trong tổ chức cơ yếu có đủ 25 năm trở lên đối vởi nam, đủ 20 năm trở lên đối với nữ, đã đóng bảo hiểm xã hội, mà cơ quan cơ yếu không còn nhu cầu bố trí công tác trong tổ chức cơ yếu hoặc không chuyển ngành được.
Thời gian công tác trong tổ chức cơ yếu bao gồm thời gian làm công tác cơ yếu, thời gian làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thời gian là học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, kể cả thời gian người làm công tác cơ yếu chuyển ngành sau đó do yêu cầu nhiệm vụ được điều động trở lại phục vụ trong lực lượng cơ yếu.
Điều kiện được hưởng lương hưu khi đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên
3. Người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
+ Không phụ thuộc vào tuổi đời khi người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Đối với các trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh hoặc mất hồ sơ và các trường hợp đặc biệt khác được quy đinh chi tiết như sau:
a) Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng lương hưu;
b) Trường hợp hồ sơ của người lao động bị mất, không thể hiện được thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 thì thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong văn bản giải quyết của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
c) Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng đến dưới 15 năm, hoặc người lao động đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều này nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu để có đủ 15 năm hoặc đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều này.
Mức đóng, thời gian đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội. Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
d) Trường hợp người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có vãn bản giải trình nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình.
Người lao động quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 2 Nghị định này gồm:
+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; (*)
+ Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; (**)
+ Người lao động quy định tại (*), (**) nêu trên trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, nghiên cứu, đi điều dưỡng nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương hoặc phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí trong nước và đóng BHXH theo quy định thì được hưởng các chế độ BHXH quy định tại Nghị định này.