TỪ NGUỒN CỘI HÙNG VƯƠNG ĐẾN MÙA XUÂN TOÀN THẮNG: MẠCH NGUỒN KHÔNG NGỪNG NGHỈ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Phú Thọ, tháng Tư. Mùa lễ hội đang rộn ràng trên vùng đất linh thiêng Nghĩa Lĩnh – nơi ghi dấu buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Trong tiết trời trong xanh, gió nhẹ và nắng hanh hao đầu mùa, dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại đổ về Đền Hùng. Hậu duệ Hùng Vương về nơi đây không chỉ để dâng nén hương tri ân tổ tiên, mà còn để lắng lòng, chạm vào mạch nguồn sâu thẳm nhất – nơi khởi đầu một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước sóng gió thời gian.

Những ngày tháng Tư này, ký ức dân tộc lại bừng dậy trong lòng người Việt. Cùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày 30/4 – một dấu mốc chói lọi trong lịch sử hiện đại. Dường như, từ huyền thoại dựng nước của các Vua Hùng cho đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, là một hành trình dài đầy máu, lửa và niềm tin – hành trình của một dân tộc nhỏ bé nhưng chưa từng chịu khuất phục trước bất kì một kẻ thù nào.

Huyền thoại từ buổi bình minh

Theo truyền thuyết thiêng liêng, tổ tiên của người Việt là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Họ sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con – tượng trưng cho sự khởi sinh của một dân tộc gắn kết máu thịt, không thể chia lìa. Người con trưởng được truyền ngôi, xưng là Hùng Vương, lập nên nhà nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của người Việt cổ, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay).

Dưới triều đại các Vua Hùng, nông nghiệp lúa nước phát triển, cùng với những dấu ấn văn hóa rực rỡ như trống đồng Đông Sơn, kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, làm gốm… Những điều đó không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của một quốc gia sơ khai, mà còn là nền móng cho bản sắc văn hóa Việt tồn tại cho đến hôm nay.

img 20250329 125329

Về với cội nguồn – Nguồn ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Mỗi năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, triệu triệu người dân Việt lại cùng nhau hướng về Đền Hùng – nơi yên nghỉ của các vị vua đầu tiên. Đó không chỉ là một lễ hội văn hóa, mà còn là biểu hiện của một niềm tin sâu thẳm: rằng dân tộc này có tổ, có tông; có khởi nguyên và có lý tưởng để gìn giữ.

Giữ nước – sứ mệnh được tiếp nối

Không ai trong chúng ta có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng người Việt Nam được sinh ra với một di sản tinh thần lớn lao: di sản của những con người chưa bao giờ khuất phục. Nếu Hùng Vương có công dựng nước, thì suốt chiều dài lịch sử, bao lớp lớp anh hùng đã đứng lên để giữ nước.

Từ Bà Trưng, Bà Triệu, đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Từ những người nông dân áo vải chống giặc ngoại xâm, cho đến những chiến sĩ vô danh hy sinh giữa rừng già Trường Sơn hay trên dòng sông Cửu Long – tất cả đều là những người con trung thành của giống nòi Tiên Rồng.

Và rồi, thế kỷ XX khép lại bằng một trang sử huy hoàng – Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Bắc – Nam sum họp một nhà. Đất nước bước ra khỏi chia cắt và chiến tranh, tiến về phía mặt trời hòa bình.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói một câu giản dị mà vô cùng sâu sắc:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Lời căn dặn ấy là lời của thế hệ trước gửi cho thế hệ sau, là sợi chỉ đỏ nối từ đỉnh Nghĩa Lĩnh cho đến từng cánh rừng, trận địa; là lời thề chung thủy của một dân tộc chưa bao giờ  quên nguồn cội và lý do để tồn tại.

img 20250329 125351

Đền Hùng rực rỡ ánh đèn – nguồn ảnh: Ngô Hùng- Báo Đại Đoàn Kết

Mạch nguồn chưa bao giờ ngừng chảy

Hôm nay, khi những vết thương chiến tranh đã dần lành sẹo, khi đất nước chuyển mình trên con đường hội nhập và phát triển, thì câu chuyện về các Vua Hùng và đại thắng 30/4 không chỉ là chuyện của quá khứ. Đó còn là lời nhắc về bản lĩnh, về tinh thần tự lực tự cường, về sự cố kết không thể tách rời giữa đồng bào khắp mọi miền.

img 20250329 125420

Tri ân cội nguồn – nguồn ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Đền Hùng vẫn đứng đó – như một chứng nhân vĩnh cửu của lịch sử. Núi Nghĩa Lĩnh vẫn bồng bềnh trong sương sớm, nơi những bước chân hành hương lặng lẽ đi qua, để rồi mang về lòng mình một chút bình yên, một niềm tự hào, và cả trách nhiệm.

Giữ gìn đất nước hôm nay không chỉ là bảo vệ biên cương, mà còn là gìn giữ văn hóa, bản sắc, là sống tử tế với nhau, là phát triển bền vững – để con cháu mai sau vẫn có thể tự hào mà nói: “Chúng tôi là người Việt – con cháu của Hùng Vương.”

9 10

Hợp luyện diễu binh đại thắng 30 tháng 4 – nguồn ảnh: Báo QĐND

Từ buổi bình minh dựng nước đến ngày toàn thắng mùa Xuân 1975, từ giọt mồ hôi đổ xuống ruộng đồng Văn Lang đến máu đào rơi trong chiến hào trên suốt chiều dài  đất nước, từ bản hùng ca 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội… bàn chân trần và ý thép vượt mọi khó khăn tiến về Sài Gòn – tất cả đều là một mạch nguồn chảy mãi không ngơi. Mạch nguồn đó là lòng yêu nước, là khát vọng hòa bình, là ý chí bất khuất – được vun đắp từ tổ tiên và gửi gắm đến muôn đời sau: Bất tử truyền thống đánh giặc giữ nước. Và mỗi mùa Giỗ Tổ Hùng Vương, mỗi dịp 30/4 về, ta lại thêm một lần nhắc nhớ: Dựng nước và giữ nước – chưa bao giờ là hai việc tách rời.

Nguyễn Văn Cương – Trần Bích Khuê 

Bài viết liên quan