Nếu sáp nhập, TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu sẽ trở thành siêu đô thị tầm vóc châu Á

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM sẽ mở ra dư địa phát triển, tạo động lực đưa TP.HCM (mở rộng) trở thành một siêu đô thị mang tầm vóc châu Á.

dailobd
Quốc lộ 13 phía Bình Dương đã có nhiều đoạn được mở rộng khang trang. Phía TP.HCM cũng đã có kế hoạch mở rộng, người dân kỳ vọng dự án sớm được hoàn thành thông suốt.

TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương được xem là những cực tăng trưởng của vùng kinh tế Đông Nam Bộ và cả nước. Vấn đề kết nối hạ tầng giao thông giữa những “cực tăng trưởng” này sẽ được tổ chức ra sao nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có là điều được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bình Dương thuận lợi, Vũng Tàu chờ thông suốt hơn

TP.HCM nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh thành, trong đó có Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. So với các địa phương khác, kết nối giữa TP.HCM và Bình Dương hiện khá thuận tiện nhờ một loạt tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1K, quốc lộ 1, quốc lộ 13, ĐT.743, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Phú Long, đường An Bình…

Cũng vì khoảng cách đi lại gần nên nhiều người dân đã chọn phương án mua nhà ở Bình Dương, đi làm tại TP.HCM. Mỗi sáng sớm, không khó để bắt gặp dòng xe từ Dĩ An, Thuận An đổ về TP.HCM. Nếu ở khu vực TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM) tiếp giáp trực tiếp với TP Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương), người dân hai địa phương có thể đi lại thông qua các tuyến như quốc lộ 1, quốc lộ 1K, đường Phạm Văn Đồng…

Đặc biệt, quốc lộ 13 được xem là “xương sống” giao thông giữa hai địa phương, nối quận Bình Thạnh đến trung tâm Thủ Dầu Một (Bình Dương). Hiện đoạn quốc lộ 13 qua Bình Dương đang được mở rộng. Còn đoạn qua TP.HCM cũng đã được thông qua chủ trương đầu tư chuẩn bị mở rộng lên 10 làn xe theo hình thức BOT. TP.HCM đang nghiên cứu nâng cấp, làm đường trên cao trục Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm kết nối với dự án quốc lộ 13, tạo trục giao thông nhanh về trung tâm.

do hoa 1 17441623673971683404041
Hệ thống kết nối giao thông liên vùng giữa TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu. Ngoài ra còn có một số cao tốc, đường hiện hữu.

Trong khi đó, cao tốc Chơn Thành – Thủ Dầu Một đã được tỉnh Bình Dương thi công, sẽ kết nối với cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa. TP.HCM dự kiến cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư dự án đường dẫn nối cao tốc Chơn Thành – Thủ Dầu Một với đường vành đai 2 TP.HCM tại khu vực Gò Dưa (TP Thủ Đức). Khi có trục đường này, hàng hóa từ Tây Nguyên, Bình Dương… sẽ về các cảng biển của TP.HCM gần hơn, rút ngắn thời gian đi lại đáng kể.

Khác với Bình Dương, theo đánh giá của các chuyên gia, việc kết nối TP.HCM về Bà Rịa – Vũng Tàu hiện còn khá hạn chế. Để đến Vũng Tàu, người dân TP.HCM phải qua các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai thông qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 51…

Người dân chưa thể có lựa chọn khác khi toàn bộ phần giáp ranh giữa TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay (đoạn Cần Giờ và Phú Mỹ) đều là sông và rừng ngập mặn, hoàn toàn không có đường bộ kết nối.

Tuy vậy, trong tương lai gần, thời gian đi lại từ TP.HCM đến Vũng Tàu sẽ dần được rút ngắn khi các dự án cao tốc và đường vành đai hoàn thành. Đặc biệt đường vành đai 3 TP.HCM đang được TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Long An đẩy nhanh tiến độ thi công với mục tiêu thông xe một số đoạn vào năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2026. Khi đó hành trình từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ thuận tiện hơn thông qua đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Cùng với đó là dự án đường vành đai 4 TP.HCM dài 159km đi qua bốn địa phương TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang được thẩm định trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.

Với dự án này, các địa phương đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2028. Còn với đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 47km cũng đang được địa phương tổ chức đấu thầu tìm nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến mở thầu vào ngày 15-5.

anh chup man hinh 2025 03 22 luc 081456 1742606334679652929871
Nhánh nối cầu vượt biển Cần Giờ kết nối với đường ven biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Làm gì để xích lại gần nhau?

Trong tương lai gần, nếu ba địa phương sáp nhập, theo đánh giá, nhu cầu đi lại và làm việc xuyên suốt trong khu vực sẽ tăng mạnh. Do đó ngoài tổ chức kết nối bằng đường bộ và đường thủy, cơ quan chức năng cũng sẽ tính toán làm thêm đường sắt, metro.

Với khoảng cách từ TP.HCM đi Vũng Tàu hiện còn khá xa, theo TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế – tài nguyên và môi trường TP.HCM, cần nhanh chóng nghiên cứu làm các tuyến tàu tốc hành, đường sắt tốc độ cao bên cạnh loại hình giao thông công cộng khác như xe buýt nhanh, buýt thủy, phà… Hiện nay để đến Vũng Tàu, người dân phải đi vòng qua Nhơn Trạch, Biên Hòa, Long Thành (Đồng Nai) với thời gian trung bình 2-3 giờ nếu không gặp tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng tình với quan điểm xem Cần Giờ là động lực phát triển mới, KTS Khương Văn Mười, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần đầu tư càng sớm càng tốt cầu vượt biển Cần Giờ – Vũng Tàu. Đây là công trình chiến lược không chỉ rút ngắn thời gian đi lại mà còn là điều kiện để phát triển kinh tế biển Cần Giờ – Vũng Tàu. Hiện nay một số dự án cao tốc đang triển khai trong vùng Đông Nam Bộ, dù không trực tiếp kết nối giữa hai địa phương nhưng sẽ góp phần kết nối liên thông. Cụ thể như đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đang được thi công.

Dự án được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho vùng Đông Nam bộ dự kiến thông xe trước một số đoạn trong năm nay, và hoàn thiện toàn bộ dự án trong năm sau. Khi đường vành đai 3 TP.HCM cùng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026) hoàn thành sẽ tạo thành một vòng tròn kết nối hoàn chỉnh với các tỉnh trong vùng. Khi đó xe cộ có thể đi từ đường vành đai 3 TP.HCM – cao tốc Bến Lức – Long Thành – cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, giúp hành trình nhanh hơn đáng kể. Hay như dự án vành đai 4 TP.HCM dài 207km cũng mở thêm một trục kết nối mới, tạo điều kiện tiếp cận bằng đường bộ giữa hai địa phương. Dự án này hiện đang được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Còn với hướng TP.HCM với Bình Dương, nhiều chuyên gia nhận định có thể tổ chức kết nối các tuyến metro liên thông vì khoảng cách hai địa phương khá gần.

Trên thực tế, tuyến metro số 1 (TP Mới – Suối Tiên) của tỉnh Bình Dương sẽ kết nối với metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tại ga bến xe Suối Tiên (TP Thủ Đức). Hiện nay TP.HCM cũng đang phối hợp với Bình Dương, Đồng Nai chuẩn bị thành lập tổ công tác chung về đầu tư các tuyến đường sắt đô thị để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ngoài tuyến metro nêu trên, nhìn tổng thể quy hoạch, còn khá nhiều điểm kết nối giữa các tuyến metro TP.HCM – Bình Dương. Chẳng hạn metro số 3 TP.HCM kết nối với metro số 2 (TP Thủ Dầu Một đến ngã tư Bình Phước) của Bình Dương. Ngoài đầu tư đường bộ ven sông Sài Gòn, TP.HCM cũng sẽ làm tuyến xe điện mặt đất kết nối với tuyến số 2C (TP Thủ Dầu Một đến Củ Chi) và tuyến số 5 (từ cầu Thủ Biên – Bắc Tân Uyên đến cầu Phú Thuận – TP Bến Cát)…

Trong trường hợp sáp nhập, một trong những việc quan trọng là điều chỉnh, đồng bộ lại quy hoạch đường sắt đô thị giữa các địa phương nhằm tạo nên một mạng lưới thống nhất. Bởi theo quy hoạch giữa đường sắt đô thị của TP.HCM và Bình Dương, việc kết nối tuyến cũng chưa rõ về kết nối “nguội” hay kết nối “nóng”.

Kết nối “nóng” là nối ray để chạy tàu liên thông thành một tuyến thống nhất, còn kết nối “nguội” là chỉ nối tại các ga của từng tuyến để chuyển khách. Muốn kết nối “nóng”, các địa phương phải thống nhất về hướng tuyến, loại hình đường sắt đô thị và công nghệ…

Một thuận lợi lớn là vào tháng 2/2025 Quốc hội đã ban hành các nghị quyết 188 với các cơ chế đặc biệt, đột phá giúp TP.HCM và Hà Nội làm nhanh các tuyến metro. Vì thế, theo kỳ vọng của TS Phạm Viết Thuận, nếu sáp nhập, các tuyến đường sắt hoặc metro của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu có thể được đề xuất bổ sung vào danh mục ưu tiên, từ đó rút ngắn thời gian đầu tư và tạo cơ hội chỉnh trang, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD.

do hoa 3 17441625002791468418707
Bên cạnh các dự án cao tốc, đường vành đai đã được triển khai, một số dự án mới sẽ giúp kết nối giao thông tốt hơn giữa TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ba địa phương chiếm gần 24% GRDP cả nước

Trong vùng kinh tế Đông Nam bộ, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương là những địa phương có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt là quy mô kinh tế của các địa phương này đều nằm trong top 10 cả nước với khoảng cách chênh lệch khá xa so với nhiều tỉnh thành.

Theo Tổng cục Thống kê, quy mô kinh tế (GRDP) năm 2024 theo giá trị hiện hành của ba tỉnh thành trên là 2,7 triệu tỉ đồng, chiếm gần 24% trong tổng quy mô kinh tế hiện nay là 11,5 triệu tỉ đồng (476,3 tỉ USD).

Trong đó TP.HCM dẫn đầu cả nước với 1,7 triệu tỉ đồng, Bình Dương xếp thứ ba chỉ sau Hà Nội với 520.205 tỉ đồng, và Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô 417.306 tỉ đồng. Ba địa phương trên là những nơi hội tụ nhiều hoạt động kinh tế sôi động, những dự án đầu tư và sản xuất quy mô lớn.

TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, lũy kế đến năm 2024 với gần 59 tỉ USD. Nhiều đề án đang được TP.HCM triển khai như việc hình thành và phát triển các trung tâm tài chính, các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt là các tuyến hạ tầng, với các dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; tuyến đường vành đai 3 kết nối TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An; tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; tuyến TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cao tốc Bến Lức – Long Thành; hay mở rộng đường vành đai 2 TP.HCM đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu…

Dũng Hà

Bài viết liên quan