Quân hàm xanh giữa đại ngàn: Dấu chân người lính in trên đá núi và lòng dân

Giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi những cột mốc biên giới thầm lặng đứng canh giấc ngủ yên bình của Tổ Quốc, có những con người khoác lên mình màu áo lính – người lính quân hàm xanh. Sáu mươi năm qua, họ không chỉ là biểu tượng của lòng quả cảm nơi tuyến đầu, mà còn là hiện thân của tình yêu nước bất diệt, của tình quân dân keo sơn bền chặt, thêu dệt nên bản anh hùng ca rực rỡ giữa đất trời Gia Lai.

Tổ quốc gọi, đại ngàn lên tiếng

Để thống nhất các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nội địa và giới tuyến, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 58 về việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/TTg về việc thống nhất các đơn vị Bộ đội quốc phòng, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Tại buổi lễ thành lập ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự và huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; Liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang chuyên trách nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới quốc gia.

Tháng 4 năm 1965, giữa lúc chiến trường miền Nam đang bốc cháy vì giặc ngoại xâm, 08 người lính trẻ được điều động từ miền Bắc vào Gia Lai, mang theo lý tưởng cách mạng và trái tim nhiệt huyết. Cùng với lực lượng tại chỗ, họ dựng nên Đại đội An ninh vũ trang tỉnh – tiền thân của Bộ đội Biên phòng Gia Lai ngày nay.

Trong những năm tháng khốc liệt, họ là “bóng cây che chở”, là “bức tường thép” giữa lòng địch. Họ cắm chân trên vùng đất đỏ bazan, nơi mỗi tấc đất là máu thịt, mỗi bước đi là hiểm nguy rình rập. Nhưng chính từ nơi đó, họ đã làm nên những kỳ tích: phá vỡ tổ chức mật vụ, bảo vệ cơ sở cách mạng, diệt 562 tên địch, bắt sống 211 tên, bảo vệ tuyệt đối an toàn các lãnh đạo và căn cứ cách mạng.

Họ sống, chiến đấu và ngã xuống trong thầm lặng, để đất nước bước vào mùa xuân thống nhất. Và kể từ đó, lịch sử biên phòng Gia Lai cũng mở ra những trang mới – thắm đẫm mồ hôi, máu và niềm tin của các anh.

z6501840377260 82942f043df1b3c4a052e680735f34ad

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, UVTW Đảng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và kiểm tra đơn vị.

Sau năm 1975, giữa muôn vàn khó khăn của thời kỳ hậu chiến, người lính biên phòng lại tiếp tục là tấm lá chắn thép bảo vệ từng đường biên, cột mốc. Gian nan trong truy quét tàn quân FULRO, đánh trả thám báo biệt kích, giữ vững an ninh khu vực biên giới. Nhân dân tin yêu gọi những gót chân ngày đêm khắp buôn làng là “tấm khiên xanh” mà khó một tác phẩm điện ảnh nào có thể tái hiện được.

Năm 1979, khi quân Khơ-me đỏ xâm phạm chủ quyền, Bộ đội Biên phòng Gia Lai lại một lần nữa bước vào cuộc chiến mới. Trong suốt 9 ngày đêm giữa vòng vây khốc liệt, những người lính Đồn 649 (nay là Đồn BPCKQT Lệ Thanh) vẫn bám trụ chiến đấu kiên cường, giữ vững từng tấc đất, viết nên khúc tráng ca giữa chiến địa – Những chiến công ấy và xương máu ấy được Đảng và Nhà nước, nhân dân vinh danh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tổ quốc thống nhất, kẻ thù lùi xa, nhưng trái tim người lính biên phòng thì chưa một ngày ngơi nghỉ. Với lời thề sắt son “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là ruột thịt”, họ len lỏi vào từng bản làng xa xôi, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân; dạy chữ, chữa bệnh, dựng trường, gieo mầm tri thức và yêu thương. Từ mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Bếp ăn tình thương” đến chương trình “Nâng bước em tới trường” tất cả không chỉ là hành động, mà là biểu hiện của một trái tim luôn đập vì dân.

Hát mãi khúc quân hành

Sáu mươi năm – một chặng đường đủ dài để lịch sử ghi nhận và tôn vinh. Những tấm Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba, những danh hiệu Anh hùng, những Bằng khen, Cờ thi đua – đó là phần thưởng xứng đáng cho một lực lượng đã luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết.

Nhưng phần thưởng lớn nhất của những người lính quân hàm xanh chính là niềm tin yêu của Nhân dân, là những ánh mắt trìu mến, những bàn tay nắm chặt nơi phiên chợ vùng biên của buôn làng, là tiếng gọi thân thương “bộ đội Cụ Hồ” vang lên giữa đại ngàn. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và những thách thức an ninh phi truyền thống, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai vẫn kiên trung nơi tuyến đầu Tổ quốc. Họ là lực lượng tiên phong trong phòng, chống dịch bệnh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự, vì một biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

z6501840569922 944cf75a5915a54fa2de94337711b506 z6501840735974 db21186553868894fc9b4835dec69505

Thế trận lòng dân, nơi tiếp tục viết lên truyền thống 

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lần hai; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ “vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” và Bằng khen cho 03 tập thể và 07 cá nhân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát triển trong giai đoạn mới. Hào hùng mà lãng mạn, dũng cảm mà nhân văn, hình ảnh người lính quân hàm xanh hôm nay chính là nối dài của một huyền thoại. Và bản anh hùng ca mang tên “60 năm Bộ đội Biên phòng Gia Lai”  sẽ mãi còn được ngân vang giữa núi rừng biên cương.

Kiên Quyết – Bích Khuê

Bài viết liên quan