Bằng nhiều nỗ lực, ông đã tạo dựng một cơ ngơi đáng ngưỡng mộ tại TP.HCM. Các con của ông đều thành đạt, có vị thế trong xã hội.
Tuy nhiên, những thành công trong sự nghiệp kinh doanh dường như chỉ là bước đệm cho khát vọng tìm kiếm kho báu cháy bỏng của ông Tiệp. Năm 1993, ông đã quyết định thế chấp căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển để có được 700 triệu đồng, dồn hết vào việc theo đuổi giấc mơ vàng. Suốt một thập kỷ ròng rã (1993-2003), ông đích thân lên núi Tàu, chỉ huy việc đào bới hàng nghìn mét khối đất đá với niềm tin mãnh liệt vào kho báu ẩn sâu.
Để thực hiện công cuộc tìm kiếm đầy gian nan này, ông đã không ngần ngại chi ra hàng tỷ đồng.
Vào ngày 17/10/2011, gia đình ông Tiệp tiếp tục thể hiện sự quyết tâm khi đóng cho UBND tỉnh Bình Thuận 500 triệu đồng. Khoản tiền để cam kết thực hiện việc hoàn thổ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu tại khu vực thực hiện thăm dò (nếu việc thăm dò không có kết quả).
Thông tin trên báo Người lao động, đến ngày 10/3/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định chấm dứt việc thăm dò, tìm kiếm “kho báu” của cụ Tiệp sau nhiều lần gia hạn cấp phép thăm dò.
Tháng 6/2016, Trần Văn Tiệp đã qua đời ở TP.HCM, hưởng thọ 101 tuổi, khép lại giấc mơ tìm thấy “kho báu núi Tàu”.
Niềm tin về “kho báu núi Tàu”
Các con ông Tiệp kể lại rằng từ khi còn bé, họ đã quen với việc nghe bố nhắc đến “kho vàng” và thường xuyên cùng ông tìm kiếm nó. Anh Trần Phương Hồng, con trai út của ông, chia sẻ rằng dù các con đã nhiều lần khuyên ngăn nhưng ông Tiệp vẫn kiên quyết không nghe. Tuy nhiên, nhận thấy đó là niềm an ủi lớn nhất của bố trong những năm tháng cuối đời, sợ rằng việc ngăn cản sẽ khiến ông buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe, cả gia đình đã thống nhất để ông được thực hiện theo ý nguyện. Chính vì lẽ đó, các con của ông Tiệp, cả ở trong nước lẫn nước ngoài, đều gửi tiền về để hỗ trợ ông theo đuổi “giấc mơ kho báu” cho đến tận cuối đời.

dẫn lời kể của ông Trần Văn Tiệp khi còn sống, từ những năm 1957, ông đã nắm giữ những thông tin chính xác về một “kho báu” khổng lồ với trị giá lên đến 4.000 tấn vàng.
Theo hồ sơ của ông Tiệp cung cấp cho báo chí, cuối Thế chiến thứ hai (khoảng năm 1943), trên vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận hiện nay), tướng Yamashita của Nhật sau khi đầu hàng quân đồng minh đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến đây. Quân đội Nhật đã chôn giấu khoảng 4.000 tấn vàng tại một hòn núi sát với vùng biển này.
Tuy nhiên, sau đó không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân Nhật xuống vịnh Cà Ná, 18 tàu còn lại chạy tứ tán. Có một con tàu mãi đến năm 1945 mới chìm hẳn. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.
Ông Tiệp khẳng định: “Sở dĩ quân đội Nhật chôn kho vàng này gần biển là vì thuận lợi giao thông đường biển, đường bộ và đường sắt. Hơn nữa, lại gần với một kho vàng khác của vua Chăm ngày xưa để lại nơi này”.
Niềm tin kho báu càng được khẳng định chắc chắn hơn với người đàn ông này khi năm 1976, tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận) đã tiến hành thăm dò dưới đáy biển hòn Lao Câu, cách núi Tàu 3 hải lý và phát hiện một xác tàu chiến của quân đội Nhật. Con tàu hàng nghìn tấn nhưng bị rỗng ruột càng khiến ông Tiệp kiên quyết, quân đội Nhật đã bốc toàn bộ vàng vào đất liền chôn giấu và đánh đắm tàu.
Sau nhiều năm tìm kiếm, trong lần thăm dò từ năm 1993-2003, ông Tiệp đã tìm được một thanh gươm và một vỏ bao gươm của Nhật đã cũ; một đồng tiền 10.000 yen; Một ống điếu bằng kim loại đã vỡ một phần; hai logo Hắc Long bằng kim loại và một lá đề bằng đá… “Những cổ vật này là chứng cứ không thể bàn cãi về việc có sự hiện diện của kho vàng ở núi Tàu”, ông Tiệp khẳng định trên báo Thanh niên.
Theo:Gốc Nhìn Pháp Lý