Trại heo không phép xả thải: Mối hiểm họa đe dọa cộng đồng
Tình trạng các trại heo xây dựng trái phép, xả thải trực tiếp ra môi trường đang trở thành nỗi ám ảnh tại nhiều địa phương. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn kéo theo hệ lụy nặng nề đối với sức khỏe cộng đồng, môi sinh và an ninh xã hội. Tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, người dân đang phải sống chung với ô nhiễm kéo dài nhiều năm do hoạt động chăn nuôi thiếu kiểm soát. Theo phản ánh, tại thôn Tân Phú có ít nhất hai trại heo quy mô lớn hoạt động không giấy phép xây dựng và không có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Những trại này được cho là của Công ty TNHH Nông Trang Sinh Phú – một đơn vị liên quan đến Công ty CP Chăn Nuôi CP Việt Nam.
Sự thật bị che giấu dưới mặt hồ máu
Đầu tháng 1/2025, nhóm phóng viên tiến hành tác nghiệp tại khu vực trại. Sau nhiều giờ tiếp cận khó khăn qua các bãi lau sậy, nhóm ghi nhận trong khuôn viên trại có bốn hồ chứa nước, trong đó một hồ có màu đỏ như máu, bốc mùi tanh nồng, trên mặt là những xác heo chết trương phình. Một công nhân tại trại thản nhiên cho biết: “Cho cá ăn đó mà, ăn không hết thì để phân hủy.”
Cảnh tượng ghê rợn ấy khiến không ai khỏi rùng mình. Dưới lớp nước nhuốm máu và thối rữa, là sự thờ ơ với môi trường, là cái giá phải trả từ sự dễ dãi trong quản lý. “Nó là hồ nuôi cá, nhưng có khác gì ao tử thần?” Lần theo dòng suối phía sau trại, nước đen sì cuộn chảy quanh các vườn rau, vườn cà phê. “Hồi chưa có trại heo, suối này cá nhiều lắm. Giờ thì cá chết sạch, còn ai dám ăn đâu” – một nông dân trồng cà phê nói trong sự bất lực. Ông B.V.Đ – người dân sống gần trại – kể lại: “Mỗi tối khoảng 8 giờ, nước từ trại chảy ầm ầm qua ống to bằng bắp đùi ra suối. Mùi hôi lấn át cả không khí, cách trăm mét vẫn nghe rõ.”
” Hồ máu” đầy xác heo chết
Trại heo gây ô nhiễm
Cách đó chưa đầy 2km, gần đập thủy điện Đại Ninh, một trại heo khác mọc lên sau khi chủ trại – được xác định là một người tên Toàn – mua lại đất từ dân và tự ý khai thác đá, san lấp, xây dựng. Điều đáng kinh ngạc là trại này đã xây dựng được ba năm, nhưng đến nay chính quyền xã vẫn trả lời rằng “không biết địa điểm cụ thể của trại”. Chính trại này là nơi xả thải ra con suối Đạ Đạ Dâng – dòng suối từng trong vắt, nay đã trở thành một vệt nhớt đen sì bốc mùi tử khí.
Dòng suối “nhớt”
“Con suối Đạ Đạ Dâng đẹp lắm, trong vắt, dân làng vẫn dùng nước sinh hoạt. Nay thì nó thành dòng nhớt, chết thật rồi!” cụ ông 80 tuổi rưng rưng kể lại.
Phóng viên bị hành hung, sự im lặng đáng ngờ từ chính quyền
Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên đã bị một nhóm người, được cho là người của trại ngăn cản, đe dọa và có hành vi tấn công khiến một phóng viên bị thương nhẹ. Dù đã trình báo sự việc đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức. Không một ai bị triệu tập, không một lời xin lỗi được đưa ra. Câu hỏi đặt ra: Ai đang chống lưng cho những hành vi coi thường pháp luật và tự do báo chí như vậy? Trả lời phóng viên, lãnh đạo UBND xã Ninh Gia cho biết chính quyền “có biết phản ánh của người dân” nhưng hiện “đang chờ phối hợp kiểm tra với các phòng ban của huyện” và “chờ con dấu mới sau sáp nhập”. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm và hoạt động trái phép đã tồn tại nhiều năm – từ khi chưa có sáp nhập. Và trong suốt ba năm qua, một trại heo quy mô lớn ngang nhiên hoạt động nhưng vẫn nằm ngoài tầm mắt của chính quyền địa phương?
Pháp luật rõ ràng, nhưng đang bị lãng quên
Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và Luật Chăn nuôi 2018 quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và chính quyền các cấp trong quản lý hoạt động chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, việc chậm xử lý, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu minh bạch đang khiến luật pháp trở nên vô nghĩa, như một cuốn sách gấp lại trong ngăn kéo bụi mờ.
Ám ảnh về ô nhiễm
Đã đến lúc không thể chờ đợi thêm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn cấp, kiểm tra toàn diện, đình chỉ hoạt động các trại chăn nuôi vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi cản trở báo chí và phá hoại môi trường. Đồng thời, cần tổ chức đối thoại với người dân, công khai kết quả kiểm tra, phục hồi môi trường và bảo đảm quyền lợi cộng đồng. Người dân xã Ninh Gia không thể tiếp tục chịu đựng trong im lặng. Một dòng suối đã chết, một hệ sinh thái bị hủy hoại – và nếu không hành động ngay, hậu quả sẽ không dừng lại ở đây. Đừng để những dòng nước đỏ quạch như máu kia tiếp tục lên tiếng thay cho lương tri đã ngủ quên.
Bích Khuê – Đoàn Hải – Văn Điệp