Chốt danh sách chức danh lãnh đạo cấp xã của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Thoan (Sơn La) hỏi: “Các chức danh lãnh đạo cấp xã của 34 tỉnh thành mới sau sáp nhập 2025 còn những chức danh nào?”.

Theo hướng dẫn tại Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025, cơ cấu tổ chức chính quyền và danh mục chức danh lãnh đạo cấp xã tại 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập sẽ được tinh gọn, tăng tính kiêm nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2025, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, trong đó có 23 tỉnh thành mới hợp nhất từ 52 tỉnh thành hiện nay và 11 tỉnh giữ nguyên.
Cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức chính quyền cấp xã cũng được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, theo nội dung Công văn 03 của Ban chỉ đạo Trung ương.
Về chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã, mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ có 1 Chủ tịch HĐND (kiêm nhiệm) và 1 Phó Chủ tịch HĐND (chuyên trách). Các Ban của HĐND gồm Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội, mỗi ban có 1 Trưởng ban (kiêm nhiệm) và 1 Phó Trưởng ban (chuyên trách).
UBND cấp xã có 1 Chủ tịch (chuyên trách) và tối đa 2 Phó Chủ tịch, trong đó:
Một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND;
Một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công.
Đối với các phòng và tổ chức tương đương, UBND cấp xã thành lập tối đa 4 phòng gồm:
Văn phòng HĐND và UBND;
Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế – Hạ tầng – Đô thị (tuỳ loại hình xã, phường, đặc khu);
Phòng Văn hóa – Xã hội;
Trung tâm phục vụ hành chính công.
Tùy điều kiện cụ thể, UBND tỉnh có thể quyết định giảm số lượng phòng chuyên môn nhưng vẫn đảm bảo không vượt quá 4 đầu mối.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức các phòng chuyên môn, địa phương được quyền bố trí thêm Phó Chủ tịch UBND để đảm nhiệm trực tiếp nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn.
Tổng số cán bộ, công chức cấp xã sau sắp xếp được xác định không quá 40 người, tập trung cho các lĩnh vực xây dựng Đảng, công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, quản lý hành chính nhà nước.
Riêng tại các huyện đảo, thành phố đảo chuyển thành đặc khu, các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc sẽ chấm dứt hoạt động. Trước mắt, cơ cấu tổ chức chuyên môn sẽ được giữ nguyên như hiện hành, chờ hướng dẫn mới của Chính phủ.
Tổ chức Ban Chỉ huy quân sự tại các xã mới thành lập tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Chủ trương kiêm nhiệm các chức danh nhằm tăng số lượng công chức trực tiếp xử lý công việc thay vì tập trung vào vị trí lãnh đạo, hành chính thuần túy.
Qua đó, chính quyền cơ sở được kỳ vọng sẽ vận hành hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 60-NQ/TW.
Theo:Báo Lao Động