Ai Đang “Bảo Kê” Cho Vi Phạm Xây Dựng Ở Trung Mỹ Tây?
Trong khi hàng ngàn người dân tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM) chật vật xin phép cải tạo vài mét vuông hiên nhà, lắp một mái che mưa hay cơi nới tường rào đều phải qua hàng loạt quy trình rườm rà, thì ba công trình xây dựng sai phạm trắng trợn lại hiên ngang mọc lên giữa ban ngày, như một sự trêu ngươi với hệ thống pháp luật và người dân tuân thủ.
Dãy trọ “mọc” trong lòng hành lang lưới điện
Năm 2024 tới thời điểm này, tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM), ba công trình xây dựng có dấu hiệu không phép, trái phép, hoặc sai quy hoạch vẫn ngang nhiên thi công giữa thanh thiên bạch nhật. Điều đáng nói không chỉ nằm ở hành vi vi phạm trật tự xây dựng, mà là sự im lặng đến bất thường của chính quyền địa phương, dù phóng viên đã nhiều lần lên gặp gỡ, yêu cầu trả lời.
Ngay tại khu vực đường Hoàng Tăng Bí, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 một phòng tập thể thao đã âm thầm được cải tạo thành dãy trọ cho thuê – bất chấp việc công trình này nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ lưới điện – khu vực vốn cấm tuyệt đối mọi loại hình xây dựng, kể cả tạm bợ.
Kì lạ thay cũng một gia đình bên cạnh, dù nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, một lô đất để trống không được phép xây dựng hay sửa chữa. Thì bên này, ngay cạnh hông công trình nhà trọ đã mọc lên một cách rất trơn tru, qua thời gian tìm hiểu, quan sát chúng tôi không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào tới kiểm tra.
Cư dân quanh đó phản ánh: “Chúng tôi không được đụng chạm gì đến phần đất ấy, vậy mà một dãy trọ được dựng lên công khai, kéo điện, gắn mái tôn, lắp đặt thiết bị sinh hoạt như thể chẳng có pháp luật nào tồn tại.”
Một bên bị cấm xây dựng, cấm sửa chữa
Còn bên hông…..như một cú tát vào mặt dư luận
“Toạ lạc” dưới lưới điện 220KV
Câu hỏi đặt ra là phép ở đâu khi mà ở một nơi từng viên gạch lát sân, mái che mưa hay cơi nới đều phải xin phép, trình bày, đo đạc, chờ đợi… thì sự hiện diện công khai của các công trình sai phép kia chẳng khác nào một cú tát vào mặt người dân sống đúng luật.
Hiên ngang nâng cấp thành nhà trọ, còn chính quyền không trả lời báo chí có hay không sai phạm.
Khái niệm “quyền lực mềm” lẽ ra là để kết nối, thuyết phục, định hướng xã hội tiến bộ. Nhưng trong bối cảnh này, nó bị bóp méo thành một hình thức đặc quyền lách luật, nơi cá nhân có “quan hệ” có thể làm những điều mà đại đa số người dân không dám mơ. Nên nếu không xử lý trường hợp này thì luật pháp trở thành chiếc áo “đặt may riêng”
Khi luật chỉ được áp dụng với người yếu thế, còn người có “chống lưng” thì mặc nhiên vi phạm – đó không còn là luật, mà là sự bất công hợp pháp hóa. Đó là lúc xã hội rạn nứt từ gốc, khi niềm tin vào pháp lý không còn là điểm tựa, mà trở thành sự châm biếm.
Lấn sát đường, chạm ngưỡng vô pháp
Một công trình khác trên địa bàn phường đang được thi công kiên cố, với cột bê tông, mái đà, giàn giáo, gạch đá chất cao như núi. Điều đáng ngạc nhiên là khoảng cách từ công trình đến lòng đường chỉ tính bằng vài bước chân, vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông và quy hoạch đô thị. Cảnh tượng ấy diễn ra giữa ban ngày, xe chở vật liệu ra vào ầm ầm, bụi bặm, tiếng khoan cắt vang vọng. Người dân chứng kiến hàng ngày, nhưng chính quyền thì… không thấy. Điều bất ngờ là khu vực này trước giờ chưa từng có ai được phép xây dựng, thậm chí chỉ cần đặt tạm vài thanh sắt cũng bị nhắc nhở. Nhưng với công trình này, không ai đến kiểm tra, không ai lập biên bản, không ai xử lý. Phải chăng nó được tàng hình trước mắt chính quyền địa phương? Đây không còn là hành vi “xây lén”, mà là “xây thách thức”.
Dựng khung sắt giữa vỉa hè – Song Hành trở thành đất riêng
Dư luận tại khu vực đường Song Hành (Trung Mỹ Tây) không khỏi ngỡ ngàng khi một công trình khung thép được dựng sát vỉa hè. Nay thì nó “liên hoàn” biến thành quán nhậu, quán ăn, tiệm cầm đồ. Thật kì lạ vì theo thông tin nắm bắt được khu vực đường Song Hành ( Trung Mỹ Tây, Q 12) vốn được quản lý nghiêm ngặt, không ai được phép xây cơi nới, nay lại có một công trình “mọc” giữa phố, công khai đổ vật liệu, thi công ngày đêm. Trước tết Ất Tỵ cứ thế mà thi công, tới thời điểm này thì mọi thứ đã “an bài”. Không bảng thông tin công trình. Không biển báo giấy phép xây dựng. Không đơn vị thi công ghi nhận. Và đặc biệt – không một bóng cán bộ đô thị nào đến kiểm tra.
Người dân chua chát: “Chắc họ có ô dù to lắm. Mình đặt cái ghế ngồi bán nước còn bị phường ra thu mấy lần, huống hồ là dựng nhà.”
Rầm rộ thi công cuối năm 2024
Vùng bôi đỏ là dãy quán hàng đầu năm nay trong hành lang vỉa hè của đường Song Hành
Điều này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Ai đang đứng sau những công trình này?Ai cho phép sự “bình an pháp lý” ấy tồn tại? Có hay không một “quyền lực mềm trá hình”, nơi mà các mối quan hệ cá nhân, ảnh hưởng hậu trường trở thành tấm khiên bảo vệ cho vi phạm?
Trong cả ba trường hợp này, điểm chung không chỉ là vi phạm trật tự xây dựng, mà còn là sự im lặng đồng bộ của chính quyền địa phương. Không có bất kỳ phản hồi nào khi phóng viên liên hệ. Không có dấu hiệu cưỡng chế. Không có thông báo xử lý.
Không có vùng trắng cho vi phạm
Khi ba công trình sai phạm ngang nhiên tồn tại ở ba vị trí nhạy cảm – hành lang điện cao thế, vỉa hè giao thông và phình ra mặt đường trong con hẻm nhỏ thì đó không còn là chuyện “lách luật” đơn lẻ, mà là một hệ thống dung dưỡng vi phạm có tổ chức. Ở đây, khái niệm “quyền lực mềm” không còn là sự ảnh hưởng tích cực để điều hành xã hội, mà bị biến dạng thành công cụ bao che, nơi người có mối quan hệ, địa vị, hoặc “bảo kê” có thể ngồi xổm lên pháp luật. Pháp luật phải là tấm lưới bao trùm toàn xã hội, chứ không phải tấm rèm nhung chỉ phủ lên người dân yếu thế. Nếu ba công trình trên được hợp thức hóa bằng im lặng, thì điều đó có nghĩa rằng: sống đúng luật là thiệt thân. Đó chính là mầm mống của sự bất ổn xã hội.
Chúng tôi không nặng lời khi phản ánh bài viết này mà đặt ra những câu hỏi mà chính quyền địa phương cần trả lời: Ai là người ký giấy cho phép xây dựng trong hành lang lưới điện? Tại sao công trình giữa phố không phép mà vẫn thi công trơn tru? Vì sao khi phóng viên liên hệ, chính quyền phường Trung Mỹ Tây không phản hồi? Đã có bao nhiêu cán bộ “quên trách nhiệm” trong những vi phạm này?Một đô thị không thể vận hành nếu có những “khu vực miễn nhiễm pháp luật”. Trung Mỹ Tây không phải là vùng đất đặc quyền. Và người dân không thể mãi sống trong hoài nghi về công lý.
UBND phường Trung Mỹ Tây
Đã đến lúc quận 12 và TP.HCM cần một cuộc tổng rà soát trật tự xây dựng, xử lý công khai, minh bạch – không chỉ tháo dỡ công trình vi phạm, mà còn làm rõ trách nhiệm quản lý, truy vết các mắt xích dung dưỡng, tiếp tay cho sai phạm. Khi không ai chịu trách nhiệm, thì mọi người đều là nạn nhân.
Nhóm PV