Chợ Đạ R’sal “đìu hiu” – Ai chịu trách nhiệm khi chợ tràn ra đường?
Sáng sớm tại xã Đạ R’sal, thay vì khung cảnh nhộn nhịp bên trong khu chợ trung tâm, nơi được đầu tư xây dựng, quy hoạch bài bản thì từng dãy sạp hàng lại im lìm, thưa vắng. Trái ngược hoàn toàn, ngay ngoài mặt đường quốc lộ 27,đường liên xã Đạ R’sal – Đạ Tông hàng trăm tiểu thương ngang nhiên lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Cảnh mua bán tự phát ngay trước mắt người đi đường đã trở thành hình ảnh “quen mà ngán”, kéo dài trong thời gian qua.
Nguy cơ mất an toàn giao thông và các hệ luỵ đi kèm
Việc bày bán lấn chiếm lòng lề đường khiến giao thông tại khu vực luôn trong tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm. Xe máy, xe đạp, ô tô chen nhau qua từng mét đường hẹp, kèm theo tiếng rao hàng, còi xe và sự nóng nảy của người đi đường – tạo nên một khung cảnh hỗn loạn
Hỗn loạn giao thông từ lúc 5h sáng
Anh Nguyễn Văn Duy, một tài xế xe tải, bức xúc: “Tôi phải mất gần 20 phút để đi qua đoạn đường chỉ dài 300 mét. Người bán tràn ra giữa đường, người mua thì dừng xe bất ngờ, rất dễ gây tai nạn”.
Không chỉ giao thông bị ảnh hưởng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề đáng báo động. Rau củ, thịt cá bày bán ngay dưới lòng đường, không có mái che, không được kiểm soát chất lượng, ruồi nhặng bay đầy, nước thải chảy lênh láng. Những hình ảnh phản cảm này làm mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Biển cấm họp chợ bị xé rách và tiểu thương “đè” mặt hàng lên đó
Đặc biệt, tình trạng này còn khiến nguồn thu ngân sách từ phí thuê sạp bị thất thoát nghiêm trọng. Theo thống kê từ Ban quản lý chợ, mỗi tháng thất thu rất nhiều do hàng trăm hộ kinh doanh không vào chợ.
Đổ lỗi cho lực lượng mỏng – Bao biện cho sự buông lỏng
Trước tình trạng nhức nhối này, theo ban quản lý chợ khi viết đơn kiến nghị lên chính quyền, đại diện một số cơ quan chức năng địa phương cho rằng: “Do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết tình trạng buôn bán tự phát ngoài đường”(???). Tuy nhiên, đó có thực sự là nguyên nhân cốt lõi?
Lực lượng công an xã ra quân chiều ngày 15/4 và sáng hôm sau ngày 16/4 mọi việc đâu lại vào đó
Nhưng với các tiểu thương đã đăng ký kinh doanh tại chợ cho rằng, câu chuyện ở chợ Đạ R’sal không chỉ là thiếu nhân lực, mà là thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, buông lỏng trong quản lý và đặc biệt là thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ doanh nghiệp quản lý chợ – đơn vị đã đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đang bị “bỏ rơi” trong cuộc chiến giành lại không gian kinh doanh đúng pháp luật.
Tiếp xúc với đại diện đơn vị quản lý chợ Đạ R’sal, họ tỏ ra hết sức bức xúc:
“Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên chính quyền xã và huyện về tình trạng tiểu thương tràn ra đường, gây thất thu, phá vỡ quy hoạch chợ. Thế nhưng phản hồi nhận lại chỉ là hứa hẹn suông. Không có bất kỳ biện pháp cưỡng chế hiệu quả nào được triển khai”.
Khuất tất trong sự im lặng
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao tình trạng buôn bán trái phép ngay trước mặt chính quyền địa phương lại tồn tại suốt nhiều năm?
Một số tiểu thương cho biết, họ từng bị lực lượng chức năng “nhắc nhở nhẹ nhàng” nhưng không hề có biện pháp xử lý dứt điểm. Có những đợt ra quân “rầm rộ” nhưng chỉ được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Điều đó khiến dư luận nghi ngờ liệu có sự “thỏa hiệp ngầm” giữa chính quyền và người vi phạm, hoặc ít nhất là sự làm ngơ, thiếu trách nhiệm.
Điều này đã dẫn đến những hệ lụy không chỉ là mất trật tự
Tình trạng chợ tràn ra đường không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng an toàn giao thông mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng:
Doanh nghiệp quản lý chợ bị “đánh gục”: Với lượng tiểu thương không vào chợ, doanh thu từ việc cho thuê sạp gần như bằng không. Hệ thống vệ sinh, xử lý rác, điện nước… cũng không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí tài sản xã hội.
Những gian hàng trong chợ không có người đăng ký thuê
Mất nguồn thu ngân sách: Tiểu thương buôn bán ngoài chợ không nộp phí, không chịu thuế đúng quy định. Đây là một sự thất thoát nghiêm trọng trong quản lý thu – chi địa phương.
Như một lời thách thức- bán thịt lợn ngay tại biển cấm ( Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu nguy cơ dịch bệnh tràn ra?)
Vấn nạn thực phẩm “3 không”: Không nguồn gốc – Không kiểm định – Không đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm bày bán dưới đất, gần cống rãnh, phơi bụi bặm là mối nguy hiểm rõ ràng đối với sức khỏe cộng đồng.
Chợ chết – trách nhiệm sống
Một chuyên gia về quy hoạch đô thị nhận định:
“Khi chợ được quy hoạch nhưng không được bảo vệ, không được vận hành đúng chức năng thì hậu quả không chỉ là kinh tế – mà còn là văn hóa, thói quen tiêu dùng, là sự thất bại của cả một hệ thống quản lý”.
Rõ ràng, không thể chỉ trách người dân hay tiểu thương. Họ buôn bán tự phát vì mưu sinh, nhưng sự mưu sinh đó đã được “chống lưng” bởi sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sự việc ở chợ Đạ R’sal không phải là cá biệt, mà là điển hình cho căn bệnh quản lý “hữu danh vô thực” – nơi mà doanh nghiệp đầu tư thì bị bỏ rơi, còn người vi phạm thì được ngó lơ.
UBND xã cách chợ mấy trăm met
Chợ Đạ R’sal vẫn còn đó – với cơ sở vật chất khang trang, nhưng lạnh lẽo và vắng bóng người. Trong khi ngoài đường, từng gánh hàng rong vẫn ngang nhiên lấn chiếm. Ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này? Chính quyền không thể tiếp tục đổ lỗi cho lực lượng mỏng. Đã đến lúc phải đặt lại câu hỏi lớn hơn: Liệu có thực tâm muốn quản lý hay chỉ “làm cho có”?
Bích Khuê – Đoàn Hải