Đặc điểm chung của 70 cặp cha mẹ có con cái thành công: Không nói 4 điều này với trẻ

Đôi khi, việc tránh nói ra một số vấn đề lại là phương pháp nuôi dạy con hiệu quả hơn bất kỳ sách vở lý thuyết nào.

Sẽ tuyệt vời biết bao nếu trong tương lai con cái chúng ta trở thành những người kiên cường, làm việc chăm chỉ, đưa ra ý tưởng, áp dụng vào cuộc sống, và biến đam mê thành các dự án. Và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách nuôi dạy của mỗi chúng ta.

Một khảo sát gần đây được thực hiện với 70 phụ huynh có con cái thành công đã hé lộ nhiều điều thú vị. Ta vẫn biết nên nói với con điều gì, nhưng không phải ai cũng biết nên tránh nói những điều gì. Hãy cùng xem những phụ huynh kể trên không bao giờ đề cập đến những chuyện gì trong suốt hành trình nuôi dạy con cái của họ.

1. “Bố/mẹ không tin con, bố/mẹ vừa phải kiểm tra lại bài tập con làm và chữa cả những lỗi sai đó”

Các bậc phụ huynh đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm giải trình ở trẻ. Ta đều muốn con mình học làm chủ, giải quyết các vấn đề, học hỏi từ những sai lầm và tự tin hơn khi trưởng thành. Nhưng trong khi nhiều phụ huynh can thiệp quá sâu vào công việc vốn dành cho đứa trẻ, những người khác biết rằng chỉ nên đứng từ xa.

Câu chuyện của John Arrow, nhà sáng lập Mutual Mobile – công ty công nghệ với doanh thu hơn 200 triệu USD tính đến hiện tại – là một minh chứng cho điều trên.

Đặc điểm chung của 70 cặp cha mẹ có con cái thành công: Không nói 4 điều này với trẻ - Ảnh 1.

Khi lên lớp 5, cậu cùng các bạn viết báo về nhà trường, sau đó ngay lập tức đã bán hết sạch. Nhưng họ đã không thể xác minh thông tin thực tế. Thầy hiệu trưởng đã rất tức giận, và bạn bè của John đều bị cha mẹ quở mắng. Nhưng cha mẹ của John chỉ cười và bảo cậu hãy tự sửa chữa những sai lầm của mình.

Sau này, John chia sẻ: “Biết rằng bố mẹ sẽ ủng hộ ngay cả khi tất cả đang chống lại tôi khiến tôi càng muốn nỗ lực gấp đôi và làm việc chăm chỉ hơn để cho họ thấy rằng họ đã đúng khi tin tưởng mình.”

2.“Bố/mẹ sẽ tăng tiền tiêu vặt để con có thể mua bất cứ thứ gì con muốn”.

Một người cha trong số 70 người kể trên nói rằng: “Đừng bao giờ cho tiền con vô tội vạ.”

70 bậc phụ huynh trong cuộc khảo sát thuộc nhiều tầng lớp kinh tế xã hội khác nhau, và luôn dạy con cái họ về giá trị của đồng tiền. Ngay cả những đứa trẻ con nhà giàu cũng phải làm việc để được cho tiền tiêu vặt.

Nyla Rodgers là người sáng lập Mama Hope, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ và vận động cho các tổ chức cộng đồng. Khi còn đang học cấp ba, cô muốn đi nước ngoài cùng với lớp học tiếng Pháp. Nhưng thay vì chu cấp toàn bộ số tiền, mẹ Nyla nói rằng cô ấy phải tự kiếm một nửa chi phí cho chuyến đi. Không còn lựa chọn nào khác, Nyla làm đủ việc từ trông trẻ, cắt cỏ, dắt chó đi dạo, dạy bơi và nhập dữ liệu.

Đặc điểm chung của 70 cặp cha mẹ có con cái thành công: Không nói 4 điều này với trẻ - Ảnh 2.

“Tôi đã làm việc 15 giờ một ngày trong cả tuần để gom góp tiền. Đến cuối mùa hè, tôi cuối cùng cũng dành đủ tiền cho chuyến đi. Đó cũng là lúc tôi nhận ra hành trình kinh doanh của mình đã bắt đầu”, cô nói.

3. “Không được làm gì sau giờ học cho đến khi con được điểm cao hơn”

Nhiều bậc cha mẹ không thấu hiểu được đam mê của con cái, nhưng đều dành cho con rất nhiều thời gian để thực hiện. Họ không ép con phải chạy theo điểm số ở trường.

Bên cạnh việc trở thành những học sinh giỏi, nhiều đứa trẻ còn muốn theo đuổi đam mê riêng. Những đứa khác thì dồn hết tâm sức cho niềm đam mê của mình và không quá phấn đấu học tập ở trường. Và cha mẹ chúng luôn ủng hộ, bất kể lí do.

Jon Chu, đạo diễn của những bom tấn ăn khách như Con nhà siêu giàu châu Á, đam mê làm phim từ khi còn học lớp hai. Cha mẹ anh là người nhập cư, điều hành một nhà hàng và họ hy vọng anh cũng sẽ theo đuổi giấc mơ Mỹ bằng cách làm việc chăm chỉ, nhưng Jon Chu đã chọn làm điều ngược lại.

Đặc điểm chung của 70 cặp cha mẹ có con cái thành công: Không nói 4 điều này với trẻ - Ảnh 3.

Trong thời gian học cấp ba, vào một đêm, mẹ của Jon đã rất buồn khi thấy anh đang loay hoay với một video thay vì làm bài tập về nhà. Nhưng trước mặt mẹ, Jon đã khóc và nói ra suy nghĩ của mình: “Đây là điều con yêu thích! Con muốn làm việc này cả đời”.

Và khi đón anh ở trường vào ngày hôm sau, bà mẹ mang cho Jon cả những cuốn sách dạy làm phim mà bà đã tự mượn từ thư viện. “Nếu con muốn làm điều này,” bà nói, “hãy thật nghiêm túc và trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của con.”

4. “Bố/mẹ sẽ cho con tiền nếu con được điểm cao”

Trong quá trình trưởng thành, các doanh nhân tương lai không bao giờ được dạy rằng mục tiêu cuộc sống là trở nên giàu có. Thay vào đó, đó là gặt hái thành công, làm tốt hơn, tự cải thiện và tạo ra những điều tuyệt vời.

Các bậc cha mẹ trong cuộc khảo sát đều hiểu rằng con cái sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng phải vùi đầu vào một thứ gì đó mà chúng không thích, và cũng sẽ không sẵn sàng đầu tư tâm huyết để thực hiện. Trong khi đó, chúng cũng sẽ không bao giờ trở nên ưu tú ở một lĩnh vực nào đó nếu chúng không làm việc thực sự chăm chỉ.

Vì vậy, họ đã nuôi dạy những đứa trẻ biết cách đặt niềm đam mê vào công việc kinh doanh của bản thân, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn. Những đứa trẻ tin tưởng rằng, rất có thể, tiền sẽ đến. Và kể cả không, vẫn tốt hơn là phải làm việc với thứ mà mình không yêu thích. Đó chính là nền tảng để thế hệ trẻ lớn lên với ý thức rõ ràng về mục đích sống và mong muốn tạo sự khác biệt trên thế giới này.

Theo CNBC

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan