Đặc khu Phú Quốc bố trí 7 điểm phục vụ hành chính công để tiện lợi cho người dân
Để thuận tiện cho người dân đến giải quyết các vấn đề liên quan thủ tục hành chính công, đặc khu Phú Quốc (tỉnh An Giang) bố trí thêm 7 tổ tiếp nhận hồ sơ tại các trụ sở xã, phường cũ để phục vụ hành chính công.
Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Thưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công (gọi tắt là Trung tâm) đặc khu Phú Quốc chia sẻ và cho biết “việc bố trí thêm các điểm phục vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi làm thủ tục. Các điểm này như ‘cánh tay nối dài’ của Trung tâm nhằm mục đích không để dân phải đi quá xa để nộp hồ sơ”.

Đặc khu Phú Quốc sau khi vận hành chính quyền đặc khu vẫn giữ nguyên diện tích, địa giới không bị chia cắt nên tổ chức bộ máy, nhân sự, địa giới hành chính gần như không có xáo trộn lớn.
Tuy nhiên, sau khi chỉ còn một cấp chính quyền, trung tâm hành chính đặt tại Dương Đông, khoảng cách với khu vực Bắc và Nam đảo hơn 30km (về mỗi hướng), nên người dân đi lại giải quyết thủ tục cũng có những khó khăn.
Đây cũng là lý do khiến số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tăng đột biến, chỉ trong tuần đầu tháng 7 đã tăng 70%, gần gấp đôi so với trước. Nhiều nhất là hồ sơ lĩnh vực đất đai, hộ tịch, giấy phép kinh doanh. Để giải quyết, Đặc khu đã thành lập thêm 7 tổ tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở các xã, phường cũ để giảm tải cho Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Hiện, Trung tâm Phục vụ hành chính công của đặc khu có 19 quầy giải quyết thủ tục, bao gồm công an, bưu điện, bảo hiểm xã hội, dự kiến sẽ mở rộng lên hơn 25 quầy để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Được biết, địa phương đang điều động cán bộ có kinh nghiệm từ cấp xã, phường cũ để bổ sung nhân lực, đồng thời đầu tư thêm thiết bị vì nhiều phần mềm, hệ thống đã quá tải, gây chậm trễ giải quyết hồ sơ.
Phú Quốc đã niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng các danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận tại trung tâm Phục vụ hành chính công để giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục một cách minh bạch và thuận tiện. Bên cạnh đó, đường dây nóng của Trung tâm đã được thông báo trên các phương tiện thông tin, niêm yết tại trung tâm, tại trụ sở UBND xã, phường cũ, bảo đảm kênh liên lạc thông suốt, kịp thời giải đáp thắc mắc về dịch vụ công và tiếp nhận ý kiến đóng góp từ nhân dân.

Trước đó, trong buổi kiểm tra tình hình vận hành mô hình mới của đặc khu Phú Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng, Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt với sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, ông Mừng lưu ý, vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Một phần thuộc trách nhiệm, sự chủ động của đặc khu và sự hỗ trợ từ tỉnh, Trung ương. Do đó, trong thẩm quyền của mình, đặc khu Phú Quốc cần chủ động, trách nhiệm hơn nữa.
“Thành lập chính quyền địa phương 2 cấp để phục vụ người dân nhanh hơn, tốt hơn. Nếu thành lập mà gây khó khăn hơn thì không đúng mục tiêu”, ông Mừng nhấn mạnh. Ông ghi nhận đặc khu Phú Quốc đã triển khai nhiều mô hình hay, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả, cần tiếp tục mở rộng bộ máy, tăng cường nhân lực.
Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng yêu cầu chính quyền đặc khu Phú Quốc báo cáo tỉnh về mô hình hoạt động của đặc khu, để tổng hợp, báo cáo Trung ương, Bộ Nội vụ. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát trong lĩnh vực đất đai, xử lý nghiêm sai phạm, đặc biệt hành vi lấn chiếm đất công, xây dựng không phép…
Đông Sa – Trần Hạnh