ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đội tuần tra đặc biệt là dân quân tự vệ mà bắt người khẩn cấp thì không hay, phải có quân đội hoặc công an
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu Đội tuần tra đặc biệt lực lượng chỉ là dân quân tự vệ mà được thực hiện lệnh bắt khẩn cấp phương tiện, bắt người thì không hay, cần phải có lực lượng chính quy của quân đội hoặc công an phối hợp thực hiện.
Ngày 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.
Điểm đáng chú ý là dự thảo luật quy định về việc thành lập các Đội tuần tra đặc biệt thuộc công an, quân đội và dân quân tự vệ. Đội trưởng các đội tuần tra này được trao quyền khám người, phương tiện, nơi ở, đồ vật; tạm giữ người, tang vật, phương tiện gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Lực lượng chức năng cũng được thiết lập trạm canh gác, kiểm tra giấy tờ, hành lý, vật phẩm và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc chống đối.

Phát biểu góp ý, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng quy định này là cần thiết, đảm bảo khi tình trạng khẩn cấp, có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra, ví dụ như khu vực biên giới, khu vực đô thị, về tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, dịch bệnh lây lan…
Tuy nhiên, vị đại biểu băn khoăn về quy định Đội tuần tra đặc biệt có thêm quyền đó là khám xét phương tiện, nhà ở và bắt khẩn cấp những đối tượng bị nghi vấn bất hảo.
“Nên quy định rạch ròi, cụ thể, trong luật không quy định nhưng phải quy định chi tiết trong nghị định của Chính phủ để đảm bảo quyền của người dân, quyền của công dân. Bởi nếu không sẽ có thể dẫn tới việc lạm dụng, Đại biểu Hoà đề nghị.
Một điểm nữa, đại biểu Phạm Văn Hoà dẫn quy định ở khoản d Điều 15: Đội tuần tra đặc biệt gồm có công an, quân đội, lực lượng dân quân tự vệ.
“Trong dự thảo Luật ghi Đội tuần tra đặc biệt là “công an, quân đội, lực lượng dân quân tự vệ,” như vậy có phải đội này là liên ngành không, hay các lực lượng riêng. Nếu Đội tuần tra đặc biệt chỉ là lực lượng dân quân tự vệ mà được thực hiện lệnh bắt khẩn cấp phương tiện, bắt người thì không hay, phải có lực lượng chính quy của quân đội hoặc của công an cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu kiến nghị.

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, khoản 4, khoản 5 Điều 31 về đội công tác tuyên truyền đặc biệt, đội tuần tra đặc biệt cần quy định rõ cơ cấu tổ chức, phân cấp quản lý, cơ chế giám sát, thanh tra và giải trình.
Từ đó, ông Bình kiến nghị bổ sung quy định việc thành lập các đội này phải do cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản, ghi rõ chức năng, giới hạn, quyền hạn và chịu sự giám sát của cơ quan kiểm tra nội bộ và đại diện nhân dân.
Giải trình ý kiến trên, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết: “Chúng tôi muốn khi mọi người dân thấy hành động phạm pháp, bắt quả tang người phạm pháp thì ai cũng có quyền ngăn chặn, bắt giữ. Còn trong trường hợp có lệnh tình trạng khẩn cấp thì có đội tuần tra đặc biệt”. Bộ trưởng cho biết, sẽ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Hòa và thể hiện rõ hơn trong nghị định.
Nói thêm về nội dung này, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung về lực lượng thi hành trong tình trạng khẩn cấp có quy định cụ thể trong nghị định, về điều động, chỉ huy, điều hành lực lượng liên ngành và trong trường hợp bất khả kháng để bảo đảm sự thống nhất, tránh phân tán.
Đại tướng Phan Văn Giang cũng giải trình tiếp thu theo hướng Bộ Quốc phòng vẫn là cơ quan thường trực ở các cấp độ, tình trạng phòng thủ dân sự cũng như tình trạng khẩn cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các nước có Bộ tình trạng khẩn cấp riêng bên cạnh Bộ Quốc phòng hoặc thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp có thể diễn ra trong điều kiện các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng nhiều.
Lãnh đạo Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các nội dung như thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố cho rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ, của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ theo Hiến pháp; rà soát cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tổng kết việc chống dịch Covid-19… để làm cơ sở bổ sung trong các điều khoản của luật cho phù hợp với thực tiễn.
Theo: Báo Dân Việt