Khi đất rừng hóa hàng hóa, ai còn giữ nổi ranh giới đúng sai?
Kỳ 1: Khi rừng rưng rưng nước mắt.
Tại xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, một khu đất rừng rộng hơn 250 hécta từng được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm trong phát triển lâm nghiệp và chăn nuôi. Thế nhưng, sau gần hai thập niên được giao cho doanh nghiệp quản lý, rừng không những không sinh lời cho cộng đồng mà đang bị biến thành những “mảnh đất vàng” khi giá trị nông sản tăng cao và hành vi mua bán bằng giấy tay, vô tư sẻ băng trồng cây trái phép như chưa từng có cơ chế pháp lý nào tồn tại. Câu chuyện tưởng như chỉ có trong các tiểu phẩm trào phúng về quản lý đất đai, vậy mà lại hiện diện rõ ràng ngay giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Được giao đất, được chi trả để giữ rừng, nhưng rừng thì vẫn bị bỏ rơi
Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định giao hơn 2,57 triệu mét vuông đất rừng sản xuất cho Công ty TNHH Lan Chi quản lý và sử dụng tại các tiểu khu 1390 và 1399 thuộc xã Đắk Nuê. Theo kế hoạch, dự án sẽ trồng rừng, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng tự nhiên. Công ty đã triển khai một số hạng mục như trồng keo lai, trồng cỏ nuôi bò, xây dựng cơ bản và sản xuất nông nghiệp trong những năm đầu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, mọi hoạt động dần chững lại, rồi biến mất. Điều khiến người dân địa phương không khỏi ngạc nhiên là dù rừng không được tiếp tục chăm sóc hay khai thác đúng mục đích, diện tích này vẫn được hưởng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Khoản tiền này lẽ ra phải được sử dụng để duy trì việc bảo vệ rừng, tuy nhiên trong thực tế, rừng bị bỏ hoang, không có người trông coi, cũng không có hoạt động nào thể hiện trách nhiệm quản lý. Đó là một nghịch lý không dễ giải thích, nhất là khi đất đai vẫn đang ngày một lặng lẽ đổi chủ, không qua bất kỳ cơ quan chức năng nào.

Tình trạng bỏ hoang đất rừng đã tạo cơ hội cho một số người dân địa phương lấn chiếm và trồng cây cà phê, sầu riêng trái phép. Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, một số cá nhân còn tiến hành mua bán đất đai trái phép, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và xã hội. Theo phản ánh của một số người dân đi mua đất khi họ gặp ông N.T.Đ, (một người dân đang canh tác vườn sầu riêng năm thứ bảy và một số diện tích cà phê đang được máy múc sẻ băng và múc hố để trồng cà phê tại vị trí Tiểu khu 1399) Ông Đ. cho biết: đất ở đây có giá từ 90 triệu đến 150 triệu đồng một hécta và chỉ cần viết giấy tay, hai bên mua bán ký là xong, không cần địa chính, không cần chính quyền địa phương hay cơ quan chuyên môn về đất đai thực hiện thủ tục theo quy định.( Có ghi âm bằng chứng cụ thể)



Tình trạng này không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn khiến diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống lâu dài của cộng đồng địa phương. Hơn thế, việc mua bán đất đai trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, dễ dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện kéo dài. Qua tìm hiểu thông tin, đồng chí Phạm Quang Tuyến Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê cho biết thêm, tình trạng buông lỏng quản lý của công ty Lan Chi là điều có thật và xẩy ra nhiều năm nay, tuy nhiên vì vượt cấp thẩm quyền nên xã cũng mong có hình thức kiểm tra xử lý.

Câu chuyện mua bán đất đai có dấu hiệu trái phép còn được ghi trên đơn thư của người dân. Điển hình là đơn của bà Nguyễn Thị Hạnh, cư dân buôn Dlay, xã Đắk Nuê gửi ngày 11 tháng 4 năm 2022. Bà Hạnh tố cáo ông Nguyễn Tất Đoan đã giành lại phần đất bà khai hoang từ năm 2000 và có dấu hiệu đe doạ, hành hung chồng bà.

Đơn còn nêu rõ ông Đoan đã bán đất cho nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Trọng Bá, ông Lê Duy, ông Võ Tá Thuật, ông Võ Tá Giáo ở buôn Dlay, cùng ông Hợp và chị Oanh ở cầu Blào, xã Đắk Liêng. Tất cả các giao dịch đều diễn ra tại Tiểu khu 1399, khoảnh 6 và 7, với diện tích khoảng 10 hécta. Việc mua bán đất rừng thuộc hai tiểu khu của công ty Lan Chi diễn ra trong mùa khô cuối năm 2024 và đầu năm 2025 với hình thức lén lút giấy tờ trao tay nhằm qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng cứ mặc nhiên xem như tại Đắk Nuê không có “ánh sáng mặt trời”. Điều này cũng dễ hiểu vì khi nông sản có giá trị thì cũng đồng nghĩa đất rừng sẽ nóng lên từng ngày, nó như một cơn bão từ quét qua mọi rào cản ý thức dù rằng có thể cá nhân nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật.


Cựu chiến binh nói gì trước sự im lặng của rừng?
Với những người từng vào sinh ra tử để giữ từng khoảnh đất quê hương, hình ảnh đất rừng bị xẻ nhỏ, mua bán tùy tiện không khác gì một cú đâm vào ký ức và lòng tự trọng. Cựu chiến binh Ng V T ( xin được giấu tên), nguyên sĩ quan từng công tác tại mặt trận Tây Nguyên, bức xúc nói rằng ông không thể tin được có lúc đất rừng lại bị coi như tài sản tư, ai muốn làm gì thì làm. Ông cho rằng nếu doanh nghiệp không còn khả năng quản lý thì cần trả lại đất cho Nhà nước, không thể giữ rồi bỏ mặc, để rừng bị “gặm nhấm” từng ngày. Còn ông Y Th. N, cựu chiến binh người Êđê tại buôn Dlay, chia sẻ rằng rừng từng nuôi sống dân bản, từng là nơi chiến đấu của bao thế hệ. Bây giờ, rừng đứng đó mà như câm lặng, để mặc từng mét vuông đất bị đem ra trao đổi tay đôi.
( Clip flycam toàn cảnh đường vào khu trồng sầu riêng cua ông N.T.Đ, ai đã giao quyền cho ông Đ canh tác và ông Đ là gì trong công ty Lan Chi thì còn chờ câu trả lời – Dự án trồng rừng hay trồng các loại cây khác liệu có điều chỉnh hay không hay là “cha chung không ai khóc”?)
Tình trạng buông lỏng quản lý đất rừng của công ty Lan Chi tại xã Đắk Nuê đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Không thể để tình trạng doanh nghiệp nhận đất, nhận hỗ trợ ngân sách nhưng không thực hiện nghĩa vụ. Không thể để các cá nhân tự ý chiếm đất, bán đất rừng như món hàng ở chợ phiên. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát toàn bộ diện tích đất được giao cho Công ty TNHH Lan Chi. Phần đất nào bị bỏ hoang, không còn sử dụng đúng mục đích cần phải được thu hồi và giao lại cho tổ chức, cá nhân đủ năng lực, tâm huyết và trách nhiệm. Các trường hợp lấn chiếm, mua bán trái phép cũng cần được xử lý nghiêm để tránh tạo tiền lệ nguy hiểm cho các địa phương khác.
Bích Khuê – Hải Đăng
Kỳ sau: Chúng tôi sẽ làm rõ nguyên nhân tại sao Công ty Lan Chi lại buông lỏng quản lý và những điều kỳ lạ từ một phiên toà bị đơn thành nhân chứng, những khuất tất sau chiêu trò “cho mượn đất phát rừng trồng sắn” lại biến họ thành nạn nhân trong phiên toà này.
Có chăng những mối quan hệ của N.T.Đ đã khiến người này trở thành một “vua một cõi” – nơi mà pháp luật bị đẩy xuống thứ yếu?
Và còn nhiều vấn đề nữa sẽ được tiếp tục làm rõ trong các kỳ tiếp theo, với hi vọng trả lại công bằng cho người dân và khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật.
Ý kiến của Luật sư Chu Bá Định, Công ty Luật 365 – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, về hành vi vi phạm pháp luật đất đai:
Xét theo Bộ luật Dân sự 2015, Điều 117 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (như mua bán đất) chỉ được công nhận khi:
– Các bên có năng lực pháp luật dân sự;
– Giao dịch được thực hiện một cách tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật.
Do đó, việc mua bán đất rừng sản xuất trái phép, bằng giấy tay, không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là vi phạm điều cấm của pháp luật và giao dịch sẽ bị tuyên vô hiệu.
Trường hợp có yếu tố nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 – Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) về tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai, với mức phạt:
– Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;
– Hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như:
+ Làm mất đất rừng;
+ Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường;
+ Gây thiệt hại lớn cho Nhà nước hoặc cộng đồng.