Long An – Tây Ninh: Hợp nhất không gian, khai mở dư địa xanh

“Sáp nhập không chỉ để thu gọn quản lý, mà quan trọng hơn là tạo động lực mới cho phát triển bền vững.” Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trong tiến trình phát triển vùng, việc hình thành một không gian, hai nguồn lực giữa Long An và Tây Ninh đang mở ra cơ hội hiếm có để tích hợp hạ tầng, khai thác hợp lý tài nguyên, và quan trọng nhất: hướng tới một mô hình tăng trưởng gắn chặt với thiên nhiên, môi trường và lợi ích cộng đồng.

Hành lang liên kết sinh thái kinh tế.

Từ bao đời nay, dòng Vàm Cỏ Đông không chỉ bồi đắp phù sa mà còn kiến tạo nên bản sắc sinh thái cho vùng đất Long An, Tây Ninh. Giờ đây, dòng sông ấy tiếp tục đóng vai trò kết nối hành lang xanh, khi kết hợp cùng các trục giao thông lớn như Quốc lộ N2, cao tốc TP.HCM  Mộc Bài, và các vành đai liên vùng.

Không gian phát triển mới đang dần hình thành, không chỉ mang dòng chảy hàng hóa và công nghệ, mà còn là dòng chảy của tri thức, của quy hoạch xanh và tư duy môi trường bền vững. Hệ thống logistics thủy nội địa dọc theo Vàm Cỏ Đông nối từ biên giới Campuchia ra sông Soài Rạp đang được chú trọng phát triển như một phương án vận tải thân thiện môi trường, giảm áp lực giao thông đường bộ và khí thải đô thị.

VAM CO
Sông Vàm Cỏ Đông, mạch giao thông đường thuỷ quan trọng. Nguồn ảnh: Báo Long An

Giao thông kết nối sẽ hình thành các trung tâm logistics, tạo điều kiện cho sản xuất và xuất nhập khẩu thuận lợi, đồng thời bảo vệ hiệu quả vùng sinh thái liền kề,” ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Long An, nhận định.

Việc quy hoạch lại vùng hợp nhất cho phép hình thành chuỗi cung ứng khép kín: từ sản xuất đến chế biến, logistics và tiêu thụ – tất cả được đặt trong một không gian đồng bộ, có tính toán đến tải trọng môi trường và cân bằng hệ sinh thái.

Môi trường đầu tư, nơi sinh thái và công nghiệp hài hòa.

Điểm đến của vốn đầu tư ngày nay không chỉ là nơi có hạ tầng tốt, mà còn là nơi có chiến lược phát triển bền vững rõ ràng. Long An và Tây Ninh đang cho thấy điều đó, bằng sự chuyển mình mạnh mẽ trong môi trường đầu tư và cải cách hành chính. Theo bà Cheng Xiu Fang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ningbo ChangYa Plastic Việt Nam: “Tây Ninh sở hữu hạ tầng đồng bộ, vị trí thuận lợi và sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền. Chúng tôi cảm thấy đây là nơi có thể phát triển lâu dài.” Với các khu công nghiệp như Thành Thành Công hay Đức Hòa, Long An, việc đầu tư xanh, xử lý nước thải tuần hoàn và giảm phát thải đang trở thành tiêu chí lựa chọn bắt buộc cho các nhà đầu tư quốc tế. Tại Long An, chỉ số PCI đứng thứ 3 toàn quốc năm 2024 là minh chứng cho sự điều hành thân thiện và hiệu quả. “Chúng tôi chọn Long An vì cảm nhận được tính minh bạch, thân thiện, triển vọng rõ ràng trong quy hoạch phát triển,” ông Tanifuji Shingo, Giám đốc Công ty MYV BenKan Việt Nam (Nhật Bản), khẳng định.

TRU SO
Trung tâm hành chính tỉnh Tây Ninh được đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An (cũ) sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển hai không gian. Nguồn ảnh: Báo Long An

Giám đốc Sở Tài chính Long An, ông Trương Văn Liếp, cam kết: “Chính quyền sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, trong đó phát triển kinh tế luôn đi đôi với bảo vệ môi trường và cộng đồng.” Không gian chung Long An – Tây Ninh đang dần định hình một vùng công nghiệp, thương mại, dịch vụ hiện đại, nhưng quan trọng hơn, là một vùng phát triển dựa trên triết lý bền vững. Du lịch sinh thái, bảo tồn cảnh quan tự nhiên như núi Bà Đen, rừng tràm, lễ hội tâm linh vùng biên… sẽ cùng hòa vào một tầm nhìn phát triển dài hạn, nơi thiên nhiên được giữ gìn và cộng đồng được nâng đỡ.

Trần Đạt –  Kim Hoàng.

Bài viết liên quan