Bốt Công An Giao Thông Bỏ Hoang – Nỗi Lo An Ninh và Giao Thông Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, nhiều bốt công an giao thông trên địa bàn thành phố đã rơi vào tình trạng bỏ hoang. Những công trình này, từng là biểu tượng của sự kiểm soát và an ninh giao thông, giờ đây trở thành nơi lưu trú cho rác rưởi và sự tàn phá, khiến người dân không khỏi lo ngại về an toàn giao thông và an ninh trật tự.
“Hoang hoá – trơ gan cùng tuế nguyệt”
Dạo quanh các tuyến đường lớn như Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 22, nút giao ngã tư An Sương… không khó để nhận thấy những bốt công an giao thông đã bị bỏ hoang, tường xỉn màu, và bên trong trống rỗng, chỉ còn lại những chiếc ghế mục nát. Nhiều bốt công an giao thông trên nhiều tuyến đường của thành phố Hồ Chí Minh gần như không còn dấu hiệu hoạt động, trong khi xung quanh là những chiếc xe hơi, xe máy chạy ẩu, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn.
Chị Hương, một người dân sống gần đó ngay quốc lộ 22 điểm giao đường đường Nguyễn Thị Nuôi chia sẻ: “Trước đây, khi bốt còn hoạt động, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn khi tham gia giao thông. Giờ đây, không thấy ai, nhiều người chạy xe rất ẩu, khiến chúng tôi lo lắng.”
Bốt giao thông xuống cấp nghiêm trọng thành nơi mắc võng nghỉ ngơi của người dân- ảnh chụp ngày 17 tháng 11 năm 2024
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự thay đổi trong chiến lược quản lý giao thông của thành phố. Lực lượng công an hiện nay đã chuyển sang mô hình tuần tra di động, nhằm đáp ứng nhanh chóng hơn với tình hình giao thông phức tạp. Điều này đã khiến nhiều bốt giao thông không còn hoạt động đúng chức năng như trước đây.
Hệ luỵ giao thông
Sự bỏ hoang của các bốt công an giao thông không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến an toàn giao thông. Do lưu lượng tham gia giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh rất lớn, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa có ý thức chấp hành luật nghiêm túc. Thế nên các tình trạng lấn làn, ngược chiều, ùn tắc khi không có sự hiện diện của lực lượng công an tại các điểm bốt diễn ra phổ biến. Thậm chí còn gây ùn tắc kéo dài.
Anh Tuấn, một lái xe tải, chia sẻ: “Trước đây, khi lực lượng hiện diện trong có bốt công an, mọi người đều cẩn trọng hơn. Bây giờ, nhiều người ngang nhiên vi phạm, vượt đèn đỏ, chạy lấn làn khiến đường phố trở nên nguy hiểm hơn.”
Thế nhưng theo quan sát của phóng viên trong nhiều ngày, nhiều điểm bốt hoàn toàn gần như vắng bóng, tình trạng vi phạm các lỗi như không dừng đúng vạch, xe máy lấn hẳn sang làn ô tô theo kiểu “mạnh ai nấy đi” rất phổ biến. Điều đáng nói hơn cả là trong khi rất cần lực lượng cắm chốt giải quyết cho xe lưu thông giảm bớt ùn tắc thì lực lượng giao thông lại tập trung và chia nhỏ lực lượng về những nơi khác để xử lý. Tình trạng xử lý nhỏ lẻ, không trọng tâm này còn nhiều điểm bất cập và khuất tất chúng tôi sẽ phản ánh trong kỳ sau của loạt bài này.
Để giải quyết tình trạng này, nhiều người dân đề xuất cần có kế hoạch cải tạo hoặc chuyển đổi công năng cho các bốt công an giao thông bỏ hoang. Một số ý tưởng bao gồm việc tái sử dụng các bốt này làm điểm dừng chân cho người đi bộ, hoặc biến chúng thành các trạm thông tin giao thông.
Cần có một giải pháp
Ngay sau khi phóng viên có mặt tại các điểm bốt ghi nhận tình trạng xuống cấp, bỏ hoang thì vài ngày sau những bốt này đã được sơn sửa lại, việc khắc phục này là từ quyết định của ngành hay giải pháp tạm thời thì chưa rõ, nhưng gần như chỉ mang tính chất hình thức khi mà lực lượng công an vẫn chưa hiện diện để điều tiết, xử lý vi phạm giao thông cố định.
Không sự hiện diện của cảnh sát giao thông – Ảnh chụp ngày 17 tháng 11 năm 2024
Tình trạng bốt công an giao thông bỏ hoang tại Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ phản ánh vấn đề lãng phí đầu tư cơ sở vật chất giao thông mà còn là một tín hiệu cảnh báo về an ninh và sự phát triển bền vững của đô thị. Cần có những hành động khẩn cấp từ các cơ quan chức năng để khôi phục lại an toàn giao thông và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Sự quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ là chìa khóa để biến những bốt bỏ hoang thành những điểm tựa vững chắc cho an toàn giao thông trong tương lai.
PV
Clip ghi nhận hiện trường: