Ông Biden "nuốt nghẹn" S-400 chỉ để có Thổ Nhĩ Kỳ chống Nga?

Ông Biden coi Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Mỹ. Lý tưởng nhất là Mỹ sẽ có Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh và đối tác trong việc chống lại Nga.

Tiêu điểm - Ông Biden 'nuốt nghẹn' S-400 chỉ để có Thổ Nhĩ Kỳ chống Nga?

Kỷ nguyên Biden có thể khó khăn hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỷ nguyên mới của ông Biden

Kỷ nguyên mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hòa hợp dễ dàng với Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp kết thúc. Người được truyền thông Mỹ xướng tên là tổng thống đắc cử - Joe Biden, trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, đã cảnh báo rằng những đám mây đen đang làm lu mờ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, chỉ trích “Thổ Nhĩ Kỳ mới là vấn đề thực sự” và “ông Erdogan sẽ phải trả giá đắt”.

Danh sách các vấn đề nổi cộm giữa hai nước còn nhiều, nhưng các vấn đề trầm trọng nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35, vấn đề người Kurd và việc dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất đã là chủ đề bị Mỹ chỉ trích gay gắt trong hơn một năm qua. Có sự đồng thuận của lưỡng đảng trong cả hai viện của Quốc hội về áp đặt các biện pháp trong đạo luật CAATSA (Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt) đối với Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ mua bán này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã trì hoãn các bước đi mạnh tay với đồng minh NATO.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ cần sở hữu một hệ thống phòng không. Sự kiên quyết đã tiến tới thỏa thuận với Nga. Tiền đã được thanh toán, hệ thống đã được giao và các bài kiểm tra đầu tiên đã được thực hiện. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một thỏa thuận đã xong.

Việc Mỹ phản đối hợp đồng mua bán dựa trên những tuyên bố rằng S-400 có thể nắm thóp điểm yếu của F-35 do Mỹ sản xuất. Tuyên bố này được cho là không hợp lý bởi nếu F-35 có điểm yếu, nó có thể bị xác định ngay cả khi S-400 được triển khai bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tuyên bố khác của Mỹ là không nên có hệ thống phòng không do Nga sản xuất trong kho quân sự của một quốc gia NATO. Tuyên bố này cũng bị coi là mâu thuẫn, bởi còn có một phiên bản khác của hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất đang có mặt ở Hy Lạp, đó là S-300. Chính vì vậy, Ankara đã đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại gây khó dễ cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không phải ở Hy Lạp.

Một số nhà phân tích dự đoán rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden sẽ mang lại những điều rất khác cho ông Erdogan.

"Thông điệp từ Biden gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ là hãy cư xử như một đồng minh", học giả Soli Ozel từ đại học Kadir Has ở Istanbul cho biết. Ông tin rằng chiến thắng của Biden có thể là một bước ngoặt trong quan hệ song phương.

"Một nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden cho bạn cơ hội thực sự thay đổi quan điểm, không nhất thiết phải từ bỏ sở thích mà thay đổi phong cách của mình. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bất chấp tất cả, tôi không nghĩ hai nước có thể đi đến đâu và chìa khóa cho điều này S-400”, Ozel nói.

Mỹ khó từ bỏ

Tiêu điểm - Ông Biden 'nuốt nghẹn' S-400 chỉ để có Thổ Nhĩ Kỳ chống Nga? (Hình 2).

Một tranh cãi khác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là việc trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình hợp tác sản xuất tiêm kích F-35. Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của thỏa thuận hợp tác sản xuất máy bay này. Khoảng 900 bộ phận khác nhau của máy bay được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã chính thức công bố ý định mua 100 máy bay chiến đấu F-35 và việc chế tạo một trong những chiếc máy bay đầu tiên dành cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được hoàn thành.

Các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện xong các khóa đào tạo vận hành F-35, nhưng sau khi mua S-400, Mỹ quyết định trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi thỏa thuận hợp tác sản xuất. Ngoài các khía cạnh quân sự và ngoại giao, còn có các khía cạnh thương mại, pháp lý và tài chính đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Vấn đề người Kurd là một chủ đề mà ông Biden đã thảo luận với ông Erdogan kể từ khi ông còn là phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của chính mình, ông Biden tiếp tục chỉ trích sự khoan nhượng của ông Trump khi để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria do người Kurd kiểm soát. Ông cũng chỉ trích thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hạn chế các hoạt động của người Kurd mà Mỹ đang hỗ trợ, bao gồm tài chính, đào tạo và trang bị.

Đối với câu hỏi về việc dẫn độ giáo sĩ Gulen, chính quyền Trump đã ám chỉ rằng yêu cầu dẫn độ không được chứng minh một cách chính xác, vì vậy việc dẫn độ không thành hiện thực. Giáo sĩ Gulen từ lâu đã bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là người đứng đằng sau kế hoạch đảo chính bất thành vào năm 2016. Về phần mình, chính quyền Biden có thể tỏ ra ít quan tâm hơn đến việc dẫn độ nhân vật này.

Bất chấp bức tranh ảm đạm nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là đồng minh của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ. Hai nước cũng có một số lĩnh vực cùng quan tâm, trong đó có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được lưu trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù Washington muốn hay không, Ankara vẫn là một thế lực quan trọng ở Trung Đông. Ông Biden coi Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Mỹ. Lý tưởng nhất là Mỹ sẽ có Thổ Nhĩ Kỳ như một đồng minh và đối tác không thể thiếu trong việc chống lại các trò chơi quyền lực của Nga hoặc Iran trong khu vực.

Do đó, bất chấp sự nghi ngờ của chính quyền Biden sắp tới về Erdogan, hai nước có thể sẽ tìm thấy điểm chung để bảo vệ lợi ích tương hỗ của mình.

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/ong-biden-nuot-nghen-s-400-chi-de-co-tho-nhi-ky-chong-nga-a10934.html