Vị trí của tầng lớp doanh nhân trong kinh tế thị trường (kỳ I)

Đại đoàn kết dân tộc tạo ra nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân ta, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước cũng như đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tiến trình phát triển của nước ta khẳng định chân lý đó.

Ảnh minh họa

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng nào? Từ những năm xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cho đến nay, các văn kiện của Đảng luôn xác định nền tảng đó là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vậy vị trí và vai trò của tầng lớp doanh nhân ở đâu khi chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường?

Với những đóng góp thực tế của doanh nhân vào sự phát triển đất nước trong thời gian qua, nhiều bài viết trên báo chí đã gọi tầng lớp này là “người lính, người xung kích trong thời bình”, là “lực lượng chủ lực của nền kinh tế”, là “nhân vật trung tâm của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà”… Các cụm từ ấy nói lên tính cách và tầm quan trọng của doanh nhân nhưng chưa xác định tầng lớp này có vai trò gì trong khối đại đoàn kết dân tộc, có nằm trong nền tảng liên minh với công-nông-trí thức không hay chỉ là thành phần phụ thuộc, hoặc nói một cách dân dã, là tầng lớp ăn theo?

Quá trình đổi mới trên đất nước ta đã tạo môi trường và điều kiện ngày càng thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ doanh nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế, hình thành một tầng lớp đông đảo; đến nay có gần năm triệu người (chưa kể nông dân sản xuất để bán sản phẩm ra thị trường, trở thành người kinh doanh), trong đó khoảng một phần ba là doanh nhân làm chủ và quản lý các doanh nghiệp (doanh nghiệp ở đây được dùng theo nghĩa rộng bao gồm cả hợp tác xã, trang trại hoặc kinh doanh cá thể có đăng ký). Ai cũng thấy trong nền kinh tế thị trường, doanh nhân là người có vai trò quyết định sự phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần quan trọng tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách nhà nước, đồng thời tham gia phát triển văn hoá, xã hội.

Quan hệ của doanh nhân với công nhân, nông dân và trí thức không chỉ dựa vào sự hoà đồng về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà còn có sự gắn bó về lợi ích. Thêm vào đó, trong sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội, có không ít công nhân, nông dân, trí thức trở thành doanh nhân và cũng có những doanh nhân đồng thời là người trực tiếp sản xuất và có trình độ trí thức.

Trong quan hệ về lợi ích giữa doanh nhân và công nhân, mặt chủ yếu không phải là sự đối kháng theo quan điểm đấu tranh giai cấp máy móc, mà là sự hợp tác giữa người đầu tư vốn tạo việc làm và người có sức lao động cần chỗ làm việc, hai bên dựa vào nhau và cùng có lợi, cùng làm giàu cho mình và cho đất nước. Nhà nước ban hành luật Lao động để điều hoà lợi ích của cả hai phía, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh, quan tâm bảo hộ quyền lợi của người làm thuê thường yếu thế hơn, đồng thời có chính sách điều tiết thu nhập hợp lý để thực hiện công bằng xã hội nhưng không làm nản chí người đầu tư kinh doanh.

Khi doanh nhân thực hiện đúng các quy định của luật pháp, thì có thể coi lợi nhuận kinh doanh còn lại sau khi nộp thuế là chính đáng, bao gồm thu nhập từ công lao động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp (là loại lao động phức tạp, đòi hỏi cao về trí tuệ và tâm sức), từ lãi suất của đồng vốn và có phần bù đắp cho những rủi ro trong kinh doanh (không phải mọi trường hợp đầu tư kinh doanh đều có lãi).

Lợi nhuận đó có tác dụng kích thích đầu tư kinh doanh và là nguồn vốn mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và của cải cho xã hội. Quan điểm giáo điều, máy móc về đấu tranh giai cấp và xoá bỏ bóc lột không phù hợp với cuộc sống và không có lợi cho việc thực hiện dân giàu, nước mạnh. Vì lẽ đó, trong các đặc trưng chủ yếu của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, Đại hội VII của Đảng năm 1991 nêu: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công”, đến Đại hội X năm 2006 đã bỏ đi hai chữ “bóc lột”.

Đối với nông dân, doanh nhân và các doanh nghiệp là người cung ứng đầu vào (vật tư và vốn) cho sản xuất, người mua gom, chế biến và tiêu thụ nông sản, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường trong cả nước và thị trường ngoài nước. Sự liên kết nông dân với doanh nhân là yếu tố rất quan trọng để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, mở rộng ngành nghề ở nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Thực tế đòi hỏi phải tăng cường và cải thiện sự liên kết này để bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên, khắc phục tình trạng sản xuất và thu nhập của nông dân không ổn định, chịu thua thiệt.

Sự phát triển của kinh tế thị trường đặt doanh nhân và các doanh nghiệp vào địa vị đối tác quan trọng trong việc đặt hàng và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các cơ sở khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ của doanh nghiệp. Sự liên kết trí thức với doanh nhân vừa thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ gắn với thực tiễn vừa nâng cao trình độ công nghệ và quản lý của doanh nghiệp. Tiếc rằng do nhiều nguyên nhân, sự liên kết đó đến nay vẫn còn yếu.

Dù còn có mặt bất cập, song ở nước ta, liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức và doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hình thành trong thực tế và ngày càng gắn bó. Có thể nói trong liên minh các giai cấp và tầng lớp làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà thiếu tầng lớp doanh nhân thì không phù hợp với thực tế và không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Giải quyết đúng đắn vấn đề này không những tôn vinh tầng lớp doanh nhân một cách thiết thực mà còn đòi hỏi tầng lớp này phải có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, khắc phục những mặt còn yếu về quy mô, về trình độ, năng lực quản lý, về trách nhiệm xã hội và văn hoá kinh doanh, đồng thời thúc đẩy sự liên kết bền vững giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức. Đó là giải pháp quan trọng để phát huy cao hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Từng bước thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các doanh nhân đã tỏ rõ bản lĩnh khi chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những sóng gió của kinh tế thị trường thời hội nhập.

Trong đường hướng làm ăn, giới doanh nhân - những người chèo lái hàng vạn doanh nghiệp của các thành phần kinh tế đã bám bám sát các chính sách, định hướng phát triển của địa phương, của Nhà nước; nắm bắt thông tin, nhất là về các chính sách vĩ mô có tác động trực tiếp đến ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nghiên cứu thị trường, liên kết làm ăn để cùng vươn lên, tạo ra khối lượng sản phẩm, hàng hoá lớn, giá trị cao, có sức cạnh tranh và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Ảnh mang tính minh họa

Không chỉ làm giàu cho mình, cho xã hội, giới doanh nghiệp - doanh nhân đã nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, sẽ chia với nhân dân vùng bị thiên tai, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt đã tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm tới các gia đình chính sách, có công với cách mạng.

Có Ngày Doanh nhân Việt Nam là dịp để toàn xã hội tôn vinh cũng là dịp để giới doanh nhân nhìn nhận rõ hơn vai trò, vị trí của mình trong thời kỳ đất nước đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá theo đường lối đổi mới của Đảng.

Những thách thức khôn lường của kinh tế thời kỳ hội nhập và đòi hỏi ngày càng cao về vai trò của doanh nghiệp-doanh nhân trong giai đoạn phát triển mới đang đặt ra cho giới doanh nhân nhiều thách thức mới nhưng cũng nhiều vận hội mới. Hơn bao giờ hết, giới doanh nhân cần liên kết mạnh mẽ trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cộng đồng với chiến lược làm ăn lâu dài trên cơ sở định hướng đầu tư của tỉnh vào các thế mạnh địa phương.

Giới doanh nhân cần sáng tạo, tìm tòi, mạnh dạn đầu tư mở hướng làm ăn ở các ngành nghề, lĩnh vực mới; cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp; tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong đầu tư và sản phẩm; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng; tranh thủ tốt các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh; chủ động hội nhập, mở rộng đối tác, thị trường, đề cao văn hoá doanh nghiệp, từ đó xây dựng thương hiệu doanh nghiệp-thương hiệu sản phẩm - thương hiệu doanh nhân, góp phần làm vẻ vang cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giới doanh nhân cũng cần quan tâm hơn nữa, làm tốt trách nhiệm xã hội của cộng đồng, đó là: không ngừng chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống cho người lao động; tham gia tích cực và thường xuyên các hoạt động cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo, gia đình chính sách, có công với nước, đồng bào vùng bị thiên tai, những người yếu thế trong xã hội.

Cộng đồng doanh nhân phải là tấm gương chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, từ đó đóng góp ngày một nhiều cho đất nước.

VT

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/vi-tri-cua-tang-lop-doanh-nhan-trong-kinh-te-thi-truong-ky-i-a12772.html