Bình Định: Tập trung phát triển công nghiệp, chú trọng năng lượng tái tạo

Trước những khó khăn, thách thức không nhỏ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai, ngành công nghiệp Bình Định đã đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu trong năm 2021, trong đó năng lượng tái tạo hứa hẹn là một thế mạnh phát triển mới cho ngành công nghiệp Bình Định trong thời gian tới.

Theo số liệu của Sở Công Thương Bình Định, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 ước tăng 5,32% so với năm 2019; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,43%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 35,24%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,52%.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho hay, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhưng nhiều chỉ tiêu năm 2020 thực hiện vẫn còn khá thấp so với mức đề ra cho cả giai đoạn do ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, trong khi phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu...

“Dưới sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Công Thương Bình Định cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021” - ông Tổng cho biết.

5214-5bd3d99f-7708-47ee-bcec-de2aa575df01
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Quy Nhơn

Ngành Công Thương Bình Định đặt ra chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) năm 2021 tăng từ 6,5% đến 7% so năm 2020; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.070 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 420 triệu USD.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, ngành Công Thương tỉnh này sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Cụ thể, sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2025”; trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; tăng cường chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp; quan tâm công tác bảo vệ môi trường.

Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chủ động phối hợp theo dõi tình hình của các DN đang hoạt động sản xuất, các dự án SXCN đã và đang đầu tư, xây dựng để thống kê số liệu, tổng hợp thông tin giúp tăng độ tin cậy trong dự báo và kịp thời đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động SXKD và đầu tư, sớm đưa năng lực SXCN mới đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, hỗ trợ các nhà máy sản xuất đang hoạt động, cũng như các nhà máy đưa vào hoạt động sản xuất, phát huy công suất, tạo giá trị mới về sản xuất công nghiệp trong vào năm 2021 như: Nhà máy nước giải khát Tingco Bình Định (vốn đầu tư 400 tỷ đồng); Nhà máy phân bón Nhật Nam (vốn đầu tư 250 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất hàng nội thất xuất khẩu - Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (2,2 triệu sản phẩm/năm); các nhà máy sản xuất dược phẩm như Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao (125,6 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 300 tỷ đồng), Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar Betalactam (vốn đầu tư 255 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed (vốn đầu tư 237 tỷ đồng)....

Theo ông Ngô Văn Tổng, thời gian tới Sở Công Thương Bình Định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 68/2017/NQ-CP, Nghị định số 66/2020/NQ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Phối hợp các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Đề án Bố trí quỹ đất để hình thành phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy hải sản tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa… nhằm đảm bảo đáp ứng mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư SXKD.

Được biết, Sở Công Thương Bình Định cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước để tạo nên sức mạnh cộng đồng, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán trên thị trường và sự yếu kém về quy mô sản xuất nhỏ bé của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư SXCN, tăng cường và khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến vào SXCN để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, bố trí kế hoạch vốn từ ngân sách địa phương cấp tỉnh, cấp huyện và tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá để triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công năm 2021.

0008-img-5272
Tuabin gió đang được lắp đặt tại Dự án phong điện Phương Mai 1

Hiện, tỉnh Bình Định hiện có 5 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định với tổng công suất là 529,5 MWp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 dự án điện gió đã đi vào vận hành phát điện với công suất 21MW và 3 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để thi công với công suất 90MW.

Để có cơ sở cho tỉnh Bình Định thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong chuyến làm việc của lãnh đạo Bộ Công Thương với tỉnh trong tháng 10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất Bộ Công Thương sớm xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định.

Đáng chú ý, với tiềm năng và lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng được chú trọng và tập trung, trọng tâm là các dự án nhà máy (NM) điện mặt trời: Cát Hiệp (49,5 MWp), Fujiwara Bình Định (50 MWp); NM phong điện Phương Mai 3 (21 MW). Tỉnh Bình Định cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đang xây dựng nhà máy hoàn thành và vào hoạt động trong năm 2021, tạo ra giá trị mới về sản xuất công nghiệp năm 2021, như: NM điện mặt trời Phù Mỹ 1 (công suất 120 MWp, vốn đầu tư 3.078 tỷ đồng); NM điện mặt trời Phù Mỹ 2 (công suất 110 MWp, vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng); NM điện mặt trời Phù Mỹ 3 (công suất 100 MWp, vốn đầu tư 2.048 tỷ đồng); NM điện mặt trời Đầm Trà Ổ (công suất 50 MWp, vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng).

Thành Long

TagTag:

Tin mới hơn

PC Sơn La: Nhiều hoạt động trong Tháng tri ân khách hàng năm 2020 PC Sơn La: Nhiều hoạt động trong Tháng tri ân khách hàng năm 2020 Hơn 40 doanh nghiệp da giày tham gia Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Hơn 40 doanh nghiệp da giày tham gia Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Vì sao phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển? Vì sao phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển? Bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mía đường Bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành mía đường

Tin cũ hơn

Hà Nội: Vinh danh 42 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh năm 2020 Cần đảm bảo nguồn gốc gỗ nguyên liệu Tăng cường hợp tác quốc tế về năng lượng, tiết kiệm năng lượng Thuỷ điện Buôn Kuốp báo cáo về việc điều tiết hồ chứa, xả lũ Thúc đẩy kết nối xây chuỗi cung ứng cho dệt may, da giày Việt Nam Đà Nẵng: Kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn
[Xem thêm]

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/binh-dinh-tap-trung-phat-trien-cong-nghiep-chu-trong-nang-luong-tai-tao-a13473.html