Tỷ phú Trần Đình Long muốn thoái vốn mảng nội thất

Là mảng kinh doanh lâu đời thứ 2 tại Hòa Phát (từ 1995) nhưng trong kế hoạch tái cấu trúc năm 2021, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến thoái toàn bộ vốn khỏi mảng nội thất.

Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có quyết định cơ cấu lại mô hình tổ chức kinh doanh với các tổng công ty phụ trách từng lĩnh vực hoạt động riêng biệt.

Theo đó, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long sẽ chia các mảng kinh doanh cốt lõi cho 4 tổng công ty trực thuộc gồm Tổng công ty Gang Thép; Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu; Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp; Tổng công ty Phát triển Bất động sản.

Trong đó, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp đã được Hòa Phát thành lập từ năm 2016 với vốn đầu tư đến cuối năm 2019 là 3.100 tỷ đồng, phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn.

Tổng công ty Phát triển Bất động sản Hòa Phát mới được thành lập từ ngày 8/12 với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Hòa Phát góp 1.998 tỷ, tương đương 99,9% vốn điều lệ. Công ty Bất động sản Hòa Phát sẽ đặt trụ sở tại quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Nhiệm vụ của công ty con này là thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản của tập đoàn.

Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát chủ yếu tập trung vào mảng bất động sản công nghiệp với diện tích các khu công nghiệp tập đoàn đã cho thuê đến cuối năm 2019 đạt 43,2 ha, tăng 48% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 56% đạt trên 702 tỷ đồng.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA HÒA PHÁT

Nhãn 2015 2016 2017 2018 2019 9T2020
Doanh thu tỷ đồng 27865 33885 46855 56580 64678 65114
Lợi nhuận sau thuế
3504 6606 8015 8601 7578 8845

Với 2 tổng công ty còn lại là Tổng công ty Gang thép và Tổng Công ty Ống thép và Tôn mạ, Hòa Phát đang làm hồ sơ pháp lý để hoàn tất thủ tục thành lập trong tháng 12 này.

Đáng chú ý, cùng với kế hoạch chia tách lĩnh vực kinh doanh về các tổng công ty nói trên, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long dự kiến thoái toàn bộ vốn khỏi ngành nội thất trong năm 2021. Nguyên nhân được ban lãnh đạo Hòa Phát lý giải do ngành nội thất mang tính chất thủ công, kinh tế gia đình, sử dụng nhiều lao động phổ thông, không phù hợp mô hình sản xuất quy mô lớn, sử dụng dây chuyền máy móc hiện đại tiên tiến của tập đoàn hiện nay.

Theo tìm hiểu, mảng kinh doanh nội thất của Hòa Phát hiện do Công ty CP Nội thất Hòa Phát phụ trách. Đây cũng là mảng kinh doanh lâu đời thứ 2 tại Hòa Phát (thành lập từ năm 1995) chỉ sau hoạt động buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992. Hiện Công ty CP Nội thất Hòa Phát có vốn điều lệ 400 tỷ đồng và có hệ thống đại lý phân phối tại 63 tỉnh, thành cả nước.

Việc chia tách các hoạt động kinh doanh của tập đoàn thành các mảng kinh doanh chuyên biệt do một tổng công ty quản lý đang được nhiều doanh nghiệp đa ngành lớn tại Việt Nam thực hiện.

Trước đó, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng có kế hoạch tái cấu trúc theo hướng chia tách công ty hiện tại thành hai phần riêng biệt gồm Thaco và Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group).

Trong đó, Thaco Group sẽ sở hữu toàn bộ vốn góp, cổ phần cũng như các quyền và lợi ích phát sinh trong các công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, logistics… Thaco sẽ vận hành và kinh doanh mảng sản xuất ôtô và cơ khí.

Tương tự, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) cũng thành lập 4 mảng kinh doanh chính gồm M&E, bất động sản, nước và năng lượng; hay Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (GEX) cũng chia các đơn vị quản lý trong mảng sản xuất công nghiệp và hạ tầng.

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/ty-phu-tran-dinh-long-muon-thoai-von-mang-noi-that-a13700.html