Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 9/12 xác nhận Ấn Độ và Úc có thể sắp ký hiệp định thương mại tự do song phương sau khi New Delhi không ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Úc và Ấn Độ đã tổ chức 9 vòng đàm phán về thỏa thuận thương mại từ năm 2011 đến 2015, trước khi Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đồng ý vào tháng 6 năm nay về việc tái khỏi động đàm phán.
Cả Úc và Ấn Độ đều đang có mâu thuẫn nghiêm trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh chặn hàng tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Úc sau khi Canberra công khai kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19, trong khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đối đầu trên vùng biên giới Himalaya.
Vinay Kaura, trợ lý giáo sư tại ĐH Cảnh sát, An ninh và Tội hình sự Sardar Patel (Ấn Độ), nói rằng, những nỗ lực nhằm hoàn tất một thỏa thuận thương mại là tín hiệu gửi đến những nước “đang tìm cách đứng lên chống lại Bắc Kinh”. “Ấn Độ và Úc đang cố gắng hành động cùng nhau để bảo đảm rằng thương mại của họ không trở thành con tin của các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc. Với sự trỗi dậy của Chiến tranh Lạnh mới, nhiều khả năng sẽ xảy ra sự chia tách trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Kaura.
Ian Hall, một nhà nghiên cứu tại Viện Ấn Độ - Úc thuộc ĐH Melbourne, nói rằng, việc Úc và Ấn Độ nối lại đàm phán hiệp định có liên quan đến chuyện Ấn Độ rời khỏi RCEP nhiều hơn là những bận tâm ngay lúc này về Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định chính sách ở Úc nhận thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa quan hệ thương mại. Trung Quốc đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng xuất khẩu. Thương mại hai chiều của Úc với Ấn Độ tăng từ 13,6 tỷ đô la Úc năm 2007 lên 30,4 tỷ đô la Úc năm 2018, theo số liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, trong khi kim ngạch với Trung Quốc lên tới 240 tỷ đô la Úc.
Úc không phải trường hợp đặc biệt. Ít nhất 60 quốc gia đang dựa vào Trung Quốc như thị trường xuất khẩu số một. Sau khi các mặt hàng Úc như thịt bò, lúa mạch, rượu vang và than bị Trung Quốc gây khó dễ, nhiều quốc gia khác sẵn sàng tranh thủ cơ hội để lấp vào chỗ trống, theo báo Sydney Morning Herald.
Purnendra Jain, một giáo sư chuyên nghiên cứu châu Á tại ĐH Adelaide, gọi Trung Quốc là “chất xúc tác” để hai nước làm sâu sắc quan hệ. “Sau nhiều năm giữ khoảng cách chiến lược, Úc và Ấn Độ đang nồng nhiệt với nhau”, GS Jain nói. Học giả này cho rằng, thỏa thuận với Delhi sẽ giúp Canberra có thêm “một đối tác tin tưởng hơn, tạo ra khả năng đa dạng hóa thương mại của Úc”.
Tháng 6 năm nay, hai thủ tướng Morrison và Modi thông báo thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, y tế, giáo dục và thương mại. Đến tháng 10, Úc tham gia chiến dịch tập trận hàng hải Malabar do Ấn Độ tổ chức, đánh dấu bước nâng cấp đáng kể trong hợp tác quân sự song phương kể từ khi Đối thoại an ninh Bộ Tứ được nối lại năm 2017.
“Cả Úc và Ấn Độ đều đang đặt cược vào quan hệ với Trung Quốc nhưng gần đây đều cảm thấy khó duy trì cái đó”, Swaran Singh, một giáo sư về ngoại giao tại ĐH Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói về chính sách kết hợp hợp tác và kiềm chế. “Sự lây lan chưa từng thấy của đại dịch, cùng với ngoại giao chiến binh sói của Trung Quốc với Úc và căng thẳng biên giới với Ấn Độ, đang đẩy nhanh việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Úc”, GS Singh nói.
Không dễ dàng
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, thỏa thuận thương mại Ấn- Úc sẽ vẫn là một thách thức lớn, và bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ hạn chế về quy mô và không phải thuốc chữa bách bệnh cho quan hệ xấu đi với Trung Quốc. Ấn Độ không thể là thị trường thay thế cho Trung Quốc vì kinh tế Ấn Độ nhỏ hơn nhiều, và nhiều mặt hàng Úc bán sang Trung Quốc sẽ khó bán ở Ấn Độ, đặc biệt là nông sản, bơ sữa và rượu vang.
Salvatore Babones, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu độc lập ở Sydney, nói rằng, bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước cũng mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn thực chất. “Úc muốn Ấn Độ hạ thấp rào cản với nông sản. Ấn Độ muốn Úc tự do hóa ngành dịch vụ và công nhận chứng chỉ nghề nghiệp. Đây đều là những vấn đề rất khó khăn”, ông Babones nói. “Từ quan điểm ngoại giao, hiệp định thương mại tự do Úc - Ấn sẽ được coi là chiến thắng cho cả hai nước, dù từ khía cạnh kinh tế thì đây chỉ là thỏa thuận mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn”, ông nói thêm.
Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/an-uc-xich-gan-nhau-vi-noi-so-trung-quoc-a13749.html