Ước mong về những cái Tết yên vui

Việc quan tâm đến ngày Tết của những người yếu thế trong xã hội chẳng những thể hiện tinh thần, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà còn cho thấy tính nhân văn, nhân ái cao cả...

Ước mong về những cái Tết yên vui - 1

"Không được để dân đói, thiếu thốn trong dịp Tết" - đây là chỉ đạo từ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đối với Đắk Lắk chiều ngày 12/1 khi đoàn công tác của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về thăm và tặng quà tết tới người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh này.

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH khẳng định, cả nước cùng chung tay thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là "không để ai không có Tết, ai cũng được hưởng Tết đầm ấm, yên vui". Đặc biệt không được để địa phương nào có người dân bị đói, thiếu thốn trong dịp Tết.

Chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như thông điệp mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, tôi nghĩ sẽ khiến nhiều bà con ở các vùng khó khăn cảm thấy ấm lòng.

Tết cổ truyền là dịp có ý nghĩa quan trọng với mỗi gia đình, mỗi người dân. Thời điểm này, ai cũng đều mong mỏi có được những ngày ấm cúng, đủ đầy. Cả năm bươn chải, lao lực đến đâu cũng mong ngóng đến vài ba ngày Tết an nhàn, sung túc.

Thế nên, có lúc nào đó chợt thấy có những người lao động tha phương phải co ro giữa cái rét tái tê ở phố phương Hà Nội, hay thoáng qua hình ảnh ngày cuối năm, người nhà, trẻ nhỏ trên những vùng rẻo cao trong manh áo mong manh, thực sự cảm thấy nhói lòng.

Việc quan tâm đến ngày Tết của đồng bào, của những người yếu thế trong xã hội chẳng những thể hiện tinh thần, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà còn cho thấy tính nhân văn, nhân ái cao cả của chế độ.

Có thể cái nghèo, cái khó sẽ chẳng thể ngày một ngày hai mà vượt qua nhưng họ có được sự an ủi và cả những hi vọng về tương lai. Rằng, những Tết sẽ không chỉ có một vài ngày mà quanh năm cũng cần đủ đầy như Tết.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại một sự kiện diễn ra ngày 12/1 vừa qua, đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, mục tiêu đến năm 2030 là GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD (172,5 triệu đồng). Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nói cách khác là chỉ trong vòng 10 năm tới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ gấp đôi hiện nay. Người viết băn khoăn, liệu rồi những lao động ở tầng lớp yếu thế, nguồn thu nhập ít ỏi của họ liệu có nhân đôi, nhân ba, có theo kịp bước chuyển của thời cuộc?

Người Việt chúng ta ai cũng đều mong đất nước sẽ cất cánh bay lên, sẽ là "con rồng", "con hổ" của khu vực và thế giới. Những giấc mơ đó, với sự nỗ lực và sáng tạo sẽ có cơ hội trở thành hiện thực, nhưng sẽ phải bắt đầu từ việc giúp hàng triệu người thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất này.

Tin mừng là theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, bắt đầu từ tháng 1/2021 sẽ triển khai chương trình dành riêng cho đồng bào miền núi. Qua đó tạo điều kiện cho bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Như vậy, điều quan trọng tiếp theo là việc bắt tay vào thực hiện và đưa hiệu quả đến được với từng người, từng nhà. Mà để đạt được thành công, cần phải có sự đồng lòng, sự vào cuộc ở các cấp địa phương, cơ sở; cần tâm huyết của những lãnh đạo, cán bộ ở cấp thôn bản để dẫn dắt bà con, giúp họ ấm no từ chính bàn tay, khối óc của mình.

Bích Diệp

 
 

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/uoc-mong-ve-nhung-cai-tet-yen-vui-a15948.html