Abraham Flexner không phải là thiên tài nhưng ông lại dẫn dắt các nhà khoa học tại Trung tâm khoa học IAS đạt được những thành công rực rỡ: 33 người trong số họ đạt giải Nobel khoa học, 38 nhà toán học đạt giải thưởng Fields tại Mỹ; cùng nhiều nhà khoa học của những giải thưởng danh giá như Wolf và MacArthur. Vậy bí quyết nào đã giúp ông làm được điều đó, khi đội quân của mình toàn những tướng lĩnh? Cuốn sách "Sếp của Einstein" giúp bạn khám phá 10 nguyên tắc để lãnh đạo những người xuất chúng.
Rất nhiều người không biết sếp của Einstein - nhà vật lý có ảnh hưởng xuất sắc nhất thế kỷ 20 là ai. Tại sao Einstein lại cần lãnh đạo khi ông ấy đã là thiên tài? Thế nhưng, ngay cả những người xuất chúng cũng không thể đạt đến thành công nếu chỉ hành động một mình. Thiên tài cũng cần môi trường phù hợp và được dẫn dắt đi đúng hướng để đạt được những đột phá sáng tạo. Đó chính là vai trò của "sếp của Einstein".
Trong suốt nhiều năm khi phải đối mặt với những thách thức trong lãnh đạo, Robert Hromas - chuyên gia về bạch cầu và Hiệu trưởng trường Y Lozano Long đã tự hỏi sếp của những thiên tài phải là người như thế nào để có thể dẫn dắt được người thông minh nhất. Cuối cùng ông đã tìm ra được câu trả lời thông qua việc thực hành 10 nguyên tắc để dẫn dắt những người xuất chúng được đúc kết trong cuốn sách "Sếp của Einstein". Tác phẩm này như một kim chỉ nam để cho các nhà lãnh đạo có thể dựa vào đó điều hành một nhóm làm việc gồm nhiều thiên tài.
Nhận diện thiên tài trong tổ chức
Thiên tài thường rất hiếm hoi và tiềm ẩn, việc nhận ra thiên tài còn khó hơn. Tuy nhiên, nếu tổ chức của bạn có một thiên tài và có một lãnh đạo tài năng biết phát hiện và bồi đắp cho họ thì bạn có thể đẩy năng suất của nhóm làm việc lên mức độ vô hạn.
Là một người lãnh đạo công ty làm thế nào để tuyển dụng thiên tài? Bằng thực tế làm việc, tác giả đã chỉ ra các đặc điểm về cách mà thiên tài tư duy và các đặc điểm của thiên tài bao gồm: bộ óc chặt chẽ nhưng linh hoạt, trí thông minh bẩm sinh và làm việc cần cù, khả năng tập trung và làm việc với đam mê, tính tò mò bẩm sinh, thông thạo nhiều lĩnh vực bên cạnh lĩnh vực chính, khả năng suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ, tính tỉ mỉ trong công việc.
Khi tuyển dụng nhân viên, Robert đã sử dụng các tiêu chí này để đánh giá và nhận diện những tài năng xuất sắc. Và chính nhờ vậy, ông đã thành công trong vai trò Hiệu trưởng của trường Y khoa Lozano Long với hơn 1.300 bác sỹ và 3.000 nhân viên.
Phát hiện và tuyển dụng được một thiên tài được xem là một hành động phi thường của bất kỳ nhóm làm việc nào. Tuy nhiên, bản thân thiên tài cũng cần được đặt vào môi trường thích hợp mới có thể tỏa sáng được. Einstein, người đã trượt môn toán hồi trung học và hầu như không thể tốt nghiệp đại học đã không thể thành công đến vậy nếu ông không bắt đầu nghiên cứu vật lý lý thuyết ở trường Đại học Bern. Từ đó, ông đã tìm thấy được niềm đam mê của mình và sau đó đánh thức trí thông minh to lớn của ông.
Vậy thiên tài sẽ được đánh thức khi họ tìm thấy đam mê? Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Bởi thiên tài cũng cần môi trường phát triển. Môi trường ở đây bao gồm cả vật chất như: nhà cửa, tiền bạc, phòng thí nghiệm, công cụ làm việc… và cả yếu tố tinh thần như: định hướng, sự dẫn dắt…từ người quản lý hay "sếp" của thiên tài.
Vậy sếp của thiên tài có phải là thiên tài? Thiên tài không thể dẫn dắt thiên tài được bởi khi thiên tài chỉ huy, họ có khuynh hướng xem mình là trung tâm thay vì liên kết sức mạnh các thành viên trong nhóm để đạt được mục tiêu chung.
Các nguyên tắc để dẫn dắt thiên tài
Dù không phải là người xuất chúng nhưng sếp của thiên tài cũng phải là những người thông minh và nắm vững nguyên tắc để dẫn dắt thiên tài đi tới thành công.
Ít ai biết trong cuộc đời mình, Edison sở hữu 1.093 bằng sáng chế nhưng chỉ có bóng đèn điện là có giá trị. Eistein công bố hơn 248 công trình nghiên cứu nhưng chỉ có Thuyết tương đối làm cho ông trở nên nổi tiếng. Shockley, Bardeen và Brattain mất 12 năm cho tới khi được trao giải Nobel năm 1956 cho phát minh bóng bán dẫn đầu tiên, mở đường cho việc sản xuất máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Trong những sáng tạo đó, chỉ có một vài viên kim cương được tìm thấy và phần lớn thời gian, người đứng sau hỗ trợ, cung cấp dữ liệu, giữ cho thiên tài tập trung vào những mục tiêu chung là người lãnh đạo.
Người lãnh đạo có thể hỗ trợ thiên tài bằng cách nhìn thấy và hiểu ứng dụng nào là tốt nhất cho khám phá của thiên tài, trong khi họ vẫn duy trì tầm nhìn về một tổ chức hay công ty như một thể thống nhất và đưa ra các đánh giá dựa trên thể thống nhất đó.
Để dẫn dắt thiên tài, họ phải bỏ đi những khái niệm lãnh đạo truyền thống, hỗ trợ thiên tài thay vì chỉ huy và yêu cầu, sẽ làm hạn chế việc tìm ra những giải pháp mang tính đột phá và sáng tạo cao. Tóm lại, lãnh đạo không phải là một phản ứng hóa học mà chính là chiếc lò để phản ứng đó diễn ra.
Trong cuốn sách này, Robert cũng không ngại ngần chia sẻ 10 nguyên tắc để lãnh đạo những người xuất chúng và những sai lầm mà ông cũng như những người tiền nhiệm mắc phải. Những ví dụ như Kodak, Shockley Semiconductor là những bài học kinh nghiệm xương máu dẫn tới sự sụp đổ của tổ chức toàn những ngôi sao.
Làm lãnh đạo một doanh nghiệp, tổ chức hay một nhóm là công việc khó khăn nhưng lãnh đạo những người xuất chúng thì sự phức tạp còn gấp hơn nhiều lần và đòi hỏi bạn phải lãnh đạo theo những nguyên tắc khác biệt mà bạn sẽ tìm thấy trong cuốn sách này. Dù bạn chỉ là lãnh đạo nhóm, lãnh đạo một phòng thí nghiệm nhỏ hay một tổ chức lớn tôi tin rằng những nguyên tắc này đều rất hữu ích giúp bạn tạo lập nên một nhóm xuất sắc hướng đến mục tiêu chung.
Chúng ta có thể thay đổi hạ tầng nghiên cứu, thay đổi kích cỡ nhóm và những trọng tâm nghiên cứu nhưng sự thành công của nhóm sẽ đến từ sự sáng tạo của các thành viên. Và môi trường mà người lãnh đạo tạo ra sẽ là yếu tố quyết định để cho sự sáng tạo được thăng hoa.
Theo First News
Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/bi-quyet-de-tro-thanh-nha-lanh-dao-cua-cac-thien-tai-a15980.html