Thanh Hóa: Đa dạng sản phẩm để hấp dẫn du khách

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, gồm cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn chính là lợi thế để ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa tăng sức hút với du khách, đồng thời tiếp tục khai thác, phát triển trong tương lai.

Giai đoạn 2016 - 2019, du lịch Thanh Hóa tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 15,2%/năm, tăng trưởng tổng thu du lịch đạt 31,7%/năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng năm 2020, Thanh Hóa đón 7,3 triệu lượt du khách, đạt 65,5% kế hoạch; trong đó có 35.550 lượt khách quốc tế, đạt 8,9% kế hoạch. Tổng thu từ du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch.

Thanh Hóa: Đa dạng sản phẩm để hấp dẫn du khách
Du lịch Thanh Hóa có mức tăng trưởng lượt khách 15,2%/năm

So với nhiều địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng của du lịch Thanh Hóa được cho là rất ấn tượng, tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Thực tế, hiện lượng khách đến Thanh Hóa lớn, nhưng chủ yếu là khách nội địa, tập trung vào thời điểm mùa hè. Sản phẩm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thiếu những sản phẩm chất lượng cao để thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch quốc tế, khách có khả năng chi trả cao.

"Trong đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa hiệu quả; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, những thách thức do Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng"- ông Thi nêu.

Năm 2020, dịch Covid-19 làm thay đổi xu hướng du lịch, chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe; thay vì giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao; có xu hướng gắn với thiên nhiên, du lịch theo nhóm nhỏ và du lịch gia đình; đặt sản phẩm dịch vụ trực tuyến, sử dụng giải pháp số trong mua sản phẩm… Vì vậy, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, mỗi điểm đến, doanh nghiệp cần đổi mới, đa dạng sản phẩm, thị trường và hoạt động để thích ứng với bối cảnh mới. Đối với ngành du lịch Thanh Hóa, cần sự thay đổi trong tư duy, cách làm để tạo ra bước đột phá cho du lịch.

Theo đó, du lịch Thanh Hóa cần tập trung: Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư trong phạm vi thẩm quyền và đẩy nhanh các chính sách, chiến lược ưu tiên phát triển du lịch, tạo cơ chế thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; hoàn thiện nâng cấp chất lượng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thông qua việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân; tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng, sớm hoàn thành các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch…

Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Du lịch - nhấn mạnh, Thanh Hóa cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch có chất lượng, có thương hiệu, theo chiều sâu, theo hướng tăng trưởng xanh, có khả năng cạnh tranh cao, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế để làm động lực; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu di sản, di tích lịch sử văn hóa. Chủ động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, việc tăng cường các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên… đây sẽ là giải pháp quan trọng để thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2030 phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.

Bảo Thoa

Tin cũ hơn

Tạm dừng tổ chức lễ hội, sự kiện đông người tại địa phương có dịch Covid-19 Lữ hành chủ động hủy, hoãn tour vì dịch Covid-19 Quảng Nam: Tạm dừng chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Hội An Show” Vùng chè Tân Cương: Hướng tới trở thành điểm đến hấp dẫn Không để lây lan dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch Nghi lễ ngày Tết cung đình triều Nguyễn được tái hiện tại Văn Miếu Năm 2020 và những dấu ấn đáng nhớ của du lịch Việt Nam 3 kịch bản cho du lịch Thủ đô năm 2021
[Xem thêm]

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/thanh-hoa-da-dang-san-pham-de-hap-dan-du-khach-a18873.html