Thêm các dự báo mới về "sức khỏe" nền kinh tế

Kinh tế Việt Nam năm 2020 đã đi được hơn 3/4 chặng đường với việc bức tranh kinh tế cả năm đã được khắc họa khá rõ nét. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái sâu, kinh tế Việt năm 2020 và các năm tiếp theo cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực từ cả phía cung và phía cầu.

them cac du bao moi ve suc khoe nen kinh te

Cùng với kết quả trên và căn cứ nội lực của nền kinh tế cộng với những thách thức từ bên ngoài (như diễn biến dịch COVID-19, sự hồi phục kinh tế của các đối tác, khả năng xảy ra thiên tai và các điều kiện thời tiết tiêu cực), chúng tôi đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực) và kết quả cho thấy kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 2,36 - 3,9% trong quý IV/2020, góp phần vào tăng trưởng 2 - 3% cả năm 2020 và tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhanh trong năm 2021 (khoảng 6,5 - 7%).

Tiếp theo Báo cáo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 (tháng 7/2020), TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đã thực hiện Báo cáo Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 4/2020 và năm 2021 nhằm đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam theo lĩnh vực kinh tế trong 9 tháng đầu năm và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2020, cả năm 2020 và 2021 cùng với một số kiến nghị.

Phục hồi rõ nét từ quý III/2020

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường; đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Kinh tế thế giới đã rơi vào suy thoái; báo cáo mới nhất của IMF và WB (10/2020) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm (-4,4 đến -5,2%). Ngoài ra, UNCTAD dự báo FDI toàn cầu sẽ suy giảm khoảng 25-30%; WTO (10/2020) dự báo thương mại thế giới suy giảm khoảng 9,2% năm 2020. Lạm phát toàn cầu năm 2020 dự báo ở mức thấp (1,8 - 2%) do sức cầu còn yếu, giá dầu giảm mạnh và đứng ở mức thấp.

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam sau 9 tháng đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét theo hình chữ V với đáy là quý 2/2020 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát qua 2 lần bùng phát (tháng 3 và tháng 7). Trong quý 3/2020, cả ba khu vực kinh tế đều phục hồi rõ nét từ mức đáy trong quý II với tăng trưởng GDP ước đạt 2,62% quý III/2020, cao hơn mức tăng của quý 2 (0,39%). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GDP tăng 2,12% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó:

- Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản quý III tăng 2,93% so với cùng kỳ (tốt hơn nhiều so với mức tăng 0,04% của quý 1 và 1,8% quý II), giúp lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 1,84% (thấp hơn mức tăng 2,02% cùng kỳ năm trước); đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng dù vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn song quý III/2020 đã tăng 2,95% (cao hơn mức tăng của quý II là 1,69%), giúp lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 tăng 3,08% (thấp hơn so với mức 9,36% cùng kỳ năm 2019) và đóng góp 58,35% vào mức tăng trưởng chung.

- Khu vực dịch vụ mặc dù chịu tác động tiêu cực, trực tiếp bởi dịch bệnh nhưng đã có dấu hiệu phục hồi mạnh, khi tăng 2,75% trong quý III (so với quý 2 giảm -1,93%) giúp lũy kế 9 tháng tăng 1,37% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,85% cùng kỳ năm trước); đóng góp 28,03% vào tăng trưởng chung.

Dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV, cả năm 2020 và 2021

Trong quý IV/2020 và năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với 4 rủi ro, thách thức chính như:

- Dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo;

- Căng thẳng thương mại, công nghệ Mỹ - Trung và giữa các nước lớn khác;

- Rủi ro địa chính trị tại các nước, khu vực (gồm cả kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, đàm phán Brexit, quan hệ Trung - Ấn, vấn đề Biển Đông…);

- Rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.

Các báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD, ADB (10/2020) … đều nhận định kinh tế thế giới năm 2020 suy thoái nghiêm trọng (-4,4% đến -5,2%) trước khi phục hồi trở lại vào năm 2021 (+3,5% đến +5%). Tuy nhiên, sự phục hồi phụ thuộc lớn vào 3 yếu tố như hiệu quả phòng - chống dịch COVID-19 và tiến trình sản xuất, phân phối, sử dụng Vaccine; hiệu quả của các gói hỗ trợ và sự hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế.

Ở trong nước, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm cùng với việc Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép (vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), như Nhóm tác giả đã nêu trên, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ "V" từ mức đáy quý II/2020, lấy lại đà tăng trưởng từ quý III/2020 và tăng trưởng khá trong năm 2021.

Theo đó, Nhóm tác giả dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2 - 3% năm 2020 (khả năng cao là 2,5%) và khoảng 6,5 - 7% năm 2021. Mức dự báo này cũng khá tương đồng so với mức dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB…) là kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 1,6 - 2,8% năm 2020 và 6,3 - 7% năm 2021; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5 - 3,8% năm 2020 và dưới 4% năm 2021.

them cac du bao moi ve suc khoe nen kinh te

Theo báo cáo "Việt Nam - tăng trưởng gián đoạn trong quý III nhưng triển vọng phục hồi ổn định" của ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 3% trong năm 2020 và đạt mức 7,8% trong năm 2021.

Theo Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á thuộc Ngân hàng Standard Chartered, ông Chidu Narayanan, Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất chấp những ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ hai đồng thời, nhờ sự phục hồi hoạt động kinh tế trong nước cùng với yếu tố tâm lý thị trường, tăng trưởng quý IV sẽ gia tăng. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được cải thiện, từ đó Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Ông Chidu Narayanan nhận định: "Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn".

Bên cạnh đó, đến quý IV, Standard Chartered dự báo nhu cầu của thị trường trên thế giới có khả năng sẽ được cải thiện và thúc đẩy. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong năm 2020 ước đạt 7,3%. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu cũng sẽ gia tăng và tiếp tục tạo ra thặng dự thương mại trong năm nay.

Liên quan đến vốn FDI, Standard Chartered dự báo trong năm nay, dòng vốn FDI đăng ký mới mặc dù suy giảm, nhưng vẫn đạt mức cao nhất, 13 tỷ USD. Những yếu tố như bất ổn nhu cầu thế giới, tâm lý đầu tư ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong trung hạn.

Trong khi đó, theo báo cáo Kinh tế Vĩ mô mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8 - 2,0%.

Thị trường chứng khoán ngày 22/10/2020: Thông tin trước giờ mở cửa

OPC tiếp tục giảm doanh thu và lợi nhuận trong quý 3/2020; Khối ngoại sàn HoSE bán ròng 20 phiên liên tiếp; CTCP Giống bò ...

Bộ Xây dựng sắp thoái toàn bộ vốn sở hữu tại IDC

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Idico (HNX: IDC) với khối lượng là ...

Nhận định chứng khoán ngày 22/10/2020: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 22/10/2020. Tạp ...

Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/them-cac-du-bao-moi-ve-suc-khoe-nen-kinh-te-a6225.html