Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA sáng 29/10, khối lượng giải ngân vốn ODA vẫn còn rất lớn khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020.
Còn 41.000 tỷ vốn ODA chờ giải ngân
Cụ thể, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,2% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ, đạt tỷ lệ 27,1% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ, tương ứng 31,9% so với dự toán.
Như vậy, khoảng 41.000 tỷ đồng vốn ODA, tương đương gần 70% kế hoạch vẫn chưa được giải ngân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá do hầu hết hoạt động của các dự án sử dụng vốn ODA gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu; thiếu thiết bị, vật tư tại công trường, nhiều địa phương phải dừng thi công một số dự án vì quy định giãn cách xã hội.
Điển hình như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM có trên 100 chuyên gia nước ngoài không đến được Việt Nam đúng theo kế hoạch, việc nhập khẩu thiết bị cũng bị ảnh hưởng, tác động đến tiến độ.
Toàn cảnh hội nghị về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA sáng 29/10. Ảnh: VGP. |
Một số nguyên nhân khác khiến chậm trễ giải ngân ODA gồm vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu.
Ngoài ra, công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án; vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục; năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu.
“Có tiền mà không tiêu được”
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước hết lưu ý các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục cứu trợ, cứu nạn, không để người dân nào trong vùng lũ lụt lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhất là các tỉnh miền Trung bị bão số 9 tàn phá nặng nề.
“Các địa phương khu vực miền Trung không được để người dân đói rét”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên, tập trung nguồn lực tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển ở Bình Định, Khánh Hòa, tìm kiếm nạn nhân bị mất tích do lở đất ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Các bộ, ngành tiếp tục vận động, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân bị nạn. Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục nắm tình hình, tổ chức hội nghị chuyên đề để xem xét, xử lý vấn đề về tài chính ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 29/10. Ảnh: VGP. |
Về vấn đề giải ngân ODA, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA nói riêng trong thời gian còn lại của năm 2020.
Thủ tướng nhấn mạnh vốn ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước khi trần nợ công vẫn còn dư địa. Khi còn nhiều bức xúc về cơ sở hạ tầng, giao thông, văn hóa xã hội nhưng nguồn lực của Nhà nước không đủ, các bộ, ngành phải có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển.
Nhiệm vụ của các bộ, ngành là phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm.
Tại các địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải hành động quyết liệt, đồng bộ, liên tục, phân công lãnh đạo từng cấp chịu trách nhiệm, trực tiếp đôn đốc kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ vướng mắc dự án đầu tư lớn.
Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA.
“Không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn. Đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay”, Thủ tướng phát biểu.
Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/khong-chap-nhan-tinh-trang-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-a7904.html