Cách đây 100 năm, nước Mỹ đã dậy sóng khi một cuộc thảm sát kinh hoàng xảy ra tại Ocoee (Florida). Sau 1 thế kỷ, vụ thảm sát ở Ocoee vẫn là bạo lực bầu cử tồi tệ nhất của lịch sử Mỹ.
Phong trào dân quyền toàn tiểu bang đầu tiên
Ngày 2/11/1920 (giờ địa phương), cuộc sống của Julius July Perry và những người da đen tại Ocoee đã đột ngột dừng lại. Khoảng 500 người da đen tại Ocoee đã chạy khỏi thị trấn, bỏ lại nhà cửa, tài sản để rời đi và không bao giờ quay trở lại.
Sau Nội chiến, chế độ nô lệ được bãi bỏ nhưng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại. Người da trắng tiếp tục giữ quyền lực tối cao và người da màu vẫn bị đàn áp theo nhiều cách khác nhau.
Năm 1920, Tu chính pháp 19 chính thức thừa nhận quyền bầu cử của phụ nữ và nó đã truyền cảm hứng cho người da màu tại Florida. Các cuộc đăng ký cử tri, tuần hành và hướng dẫn cử tri được tổ chức bí mật tại các nhà thờ, nhà nghỉ. Những nỗ lực này đã được nhà sử học nổi tiếng Paul Oritz gọi là “phong trào dân quyền toàn tiểu bang đầu tiên trong lịch sử Mỹ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một phong trào chống lại quyền được bỏ phiếu của người da màu cũng phát triển rất mạnh. Ku Klux Klan (KKK) là một phần của phong trào này.
Thời điểm đó, KKK đã tổ chức các cuộc tuần hành lớn ở Jacksonville, Daytona và Orlando để đe dọa các cử tri người da màu. Họ đến thị trấn nhỏ Ocoee vào buổi tối trước ngày bầu cử (2/11/1920). Tại đây, những người da trắng thù địch đã phát đi thông điệp, “không người da màu nào được phép bỏ phiếu”.
Trong bối cảnh nóng hầm hập ấy, Mose Norman, một doanh nhân – nông dân, 59 tuổi, quyết định đi tìm cứu viện. Norman là người có ảnh hưởng trong cộng đồng người da màu tại Ocoee. Ông hoạt động chính trị vô cùng tích cực và có những đóng góp lớn cho cộng đồng nơi đây. Người được Norman tìm đến chính là thẩm phán John Cheney. Ông Cheney là một người da trắng thuộc đảng Cộng hoà, đang tranh cử vào Thượng viện Mỹ và là người ủng hộ quyền bầu cử của người da màu. Trước những thông báo về thực trạng tại Ocoee, ông Cheney yêu cầu Norman trở lại Ocoee để thu thập chứng cứ về việc ngăn cản người da màu đi bỏ phiếu.
Công bằng, dân chủ “bị bẻ gãy” trong ngày định mệnh ám ảnh…
Khi Norman quay trở lại, Ocoee đã trở nên vô cùng căng thẳng. Tại các điểm bỏ phiếu, người da trắng có vũ trang đứng thành hàng. Norman bị truy đuổi và phải trốn tại nhà của Perry. Tin đồn về những người đàn ông da màu có súng đang tụ họp tại nhà Perry lan đi rất nhanh.
Trước tin đồn ấy, 20 người đàn ông da trắng được trang bị vũ khí lao đến nhà Perry. Tại đây, một cuộc ẩu đả đã xảy ra khiến 2 người đàn ông da trắng bị giết và kẻ cầm đầu Sam Salisbury bị thương ở tay. Đám đông lúc đó nói rằng “có 37 người da màu trang bị vũ khí đang có mặt ở nhà Perry”. Tuy nhiên, sau đó người ta nghi ngờ về con số này. Nhiều người nói rằng thực ra chỉ có Perry, vợ, con gái và một vài người đàn ông được thuê để bảo vệ gia đình họ. Trong khi ẩu đả xảy ra, Mose Norman chạy trốn trên chiếc xe mui trần và không bao giờ còn được nhìn thấy nữa.
Gia đình Perry trốn vào rừng sau khi nhà và kho thóc bị đám đông đốt trụi. Tuy nhiên, July Perry đã không thể trốn thoát. Ông bị bắt ngay sau đó tại một cánh đồng mía và bị bắn nhiều phát vào người. Khi vụ xả súng được lan truyền, hàng trăm người da trắng đổ về Ocoee. Đám đông đưa Perry đến Orlando và giết hại một cách dã man. Perry bị giết bên cạnh một cái cây lớn, từ nhà thẩm phán John Cheney, cái cây này nhìn được rất rõ.
Trong buổi tối hôm đó, những người da trắng đã đốt 20 ngôi nhà của người da màu, 2 nhà thờ, nhiều nhà nghỉ ở Ocoee và bắn những người đang cố gắng tìm cách chạy trốn. Những người sống sót sau đó chạy trốn vào khu đầm lầy. Con số thống kê người chết của “đêm ác mộng” rất khác nhau, nhưng chắc chắn đã có ít nhất 60 người da màu bị giết hại. Chẳng ai muốn nhắc đến cụm từ “tẩy rửa sắc tộc” nhưng nó đó xảy ra. Cuộc tàn sát đẫm máu với người da màu đã diễn ra ở Ocoee vào 2/11/1920.
Vinh quang trở lại
Vụ thảm sát ở Ocoee đã trở thành tin nóng của truyền thông vào ngày hôm sau. Nhưng rồi, nó bị chôn vùi. Vụ thảm sát không được nói đến và cũng chẳng có trong sách giáo khoa suốt nhiều năm. Giống như nhiều cuộc bạo loạn và thảm sát khác ở miền Nam nước Mỹ, sau khi rời khỏi trang nhất, tất cả đều bị chôn vùi.
July Perry được chôn cất tại nghĩa trang Greenwood của Orlando. Một ngôi mộ trơ trọi không được đánh dấu cho đến tận năm 2002. Cách đó vài thước là đài tưởng niệm và ngôi mộ lớn của Sam Salisbury.
Những năm gần đây, cái tên và câu chuyện của Perry được người ta kể lại ở khắp Florida. Năm 2019, sự hy sinh của July Perry đã được chính thức ghi nhận và tên ông cũng được đặt cho một cao tốc ở gần đó. Tháng 6 năm ngoái, vụ thảm sát tại Ocoee đã được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy tại Florida.
Quyền bình đẳng, dân chủ cần có những người can đảm như July Perry và Mose Norman. Những con người dũng cảm ấy đã quên nguy hiểm của bản thân vì lý tưởng bình quyền cao đẹp. “Có những thứ mạnh mẽ hơn cả súng đạn, đó chính là lý tưởng, niềm tin và sự kiên định dành cho điều đúng đắn. Đó là những gì phong trào ở Ocoee đã có và hôm nay, mỗi người chúng ta cần tôn vinh”, nhà sử học Paul Oritz nhận định.
Những người sống sót không bao giờ quay trở lại Ocoee. Họ bỏ lại nhà cửa và tài sản để ra đi. Nơi từng là quê hương giờ trở thành nỗi đau với những mất mát tang tóc. Coretha Caldwell, cô con gái sống sót của gia đình Perry trả lời truyền thông sau vụ thảm sát nhiều năm rằng cô không bao giờ quay trở lại nơi ấy.
Link nội dung: https://doanhnhanccb.vn/cach-day-100-nam-tham-sat-trong-ngay-bau-cu-gay-chan-dong-nuoc-my-a9266.html