Sáp nhập Tây Ninh và Long An: Hợp lực 2 vùng đất khơi nguồn sức mạnh mới
Tỉnh Tây Ninh mới, hợp nhất từ tỉnh Tây Ninh và Long An trên cơ sở kế thừa rất nhiều điểm chung, tiềm lực, và là yêu cầu cấp thiết, nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân 2 tỉnh.
Tây Ninh và Long An cùng hướng về tương lai
Ngày 28/4, tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã chính thức thông qua: Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh của Tây Ninh vào năm 2025.

Cụ thể, đối với đề án sắp xếp cấp xã, các đại biểu thống nhất phương án tổ chức lại 94 xã, phường, thị trấn hiện hữu thành 36 đơn vị hành chính mới, gồm 26 xã và 10 phường (trong đó có 11 xã biên giới), đạt tỷ lệ giảm 61,7%. Đây là bước đi mạnh mẽ để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Đặc biệt, đối với đề án sáp nhập cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, HĐND tỉnh đã đồng thuận cao với phương án trình bày.
Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 8.536,5km² và dân số hơn 3,28 triệu người, với 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị – hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại thành phố Tân An, tỉnh Long An hiện nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, việc hợp nhất không chỉ nhằm mở rộng không gian phát triển, mà còn giúp tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, qua đó tạo đà phát triển kinh tế-xã hội toàn diện và mạnh mẽ hơn. Tỉnh mới sẽ tận dụng được lợi thế về quy mô kinh tế, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ công và đời sống người dân.

Trước đó, Tỉnh ủy Long An cũng đã thông qua các đề án tương tự, giảm số đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 56 xã và 4 phường; đồng thời đồng thuận phương án hợp nhất Long An và Tây Ninh thành một tỉnh mới. Đây là kết quả của quá trình làm việc bài bản, thận trọng và nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân: Tây Ninh đạt 99,57%, Long An đạt 98,03%.
Hợp lực 2 vùng đất Tây Ninh và Long An để khơi nguồn sức mạnh mới
Theo Đề án của tỉnh Long An, trong chiều dài lịch sử, Long An và Tây Ninh từng là những phần đất cùng nằm trong phủ Gia Định xưa, chung nguồn gốc, chung dòng chảy văn hóa. Nay, trong dòng chảy hội nhập và phát triển, hai vùng đất này lại tiếp tục cùng nhau hội tụ, để cùng bứt phá.
Về vị trí địa lý, cả 2 tỉnh đều nằm sát biên giới Campuchia, đóng vai trò cửa ngõ giao thương chiến lược của Việt Nam với các nước ASEAN. Tây Ninh và Long An có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đệm trung gian giữa cao nguyên và đồng bằng, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ logistics.

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc như mạng lưới sống, mang lại nguồn nước dồi dào cho sản xuất và đời sống dân cư. Địa giới giáp ranh dài khoảng 33,5km, nối kết bằng các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng (Tây Ninh) với Đức Huệ, Đức Hòa (Long An), tạo thành một hành lang phát triển kinh tế liền mạch.
Về cơ cấu kinh tế, hai tỉnh có nền tảng tương đồng: Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trên 15%, công nghiệp – xây dựng trên 45% và dịch vụ hơn 26%. Đây là cơ sở vững chắc để khi hợp nhất, tỉnh Tây Ninh mới có thể nhanh chóng phát huy nội lực, tạo nên sức bật mạnh mẽ, thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp lớn, đồng thời tiếp tục giữ vững thế mạnh sản xuất, chế biến nông sản.
Tây Ninh và Long An từ lâu đã là những “điểm sáng” trong bản đồ kinh tế khu vực phía Nam. Nhờ vị trí đặc biệt, hạ tầng đồng bộ và chủ trương phát triển đúng đắn, cả 2 tỉnh đều đang vươn mình mạnh mẽ. Long An nổi bật trong công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; Tây Ninh khẳng định vai trò chiến lược về quốc phòng – an ninh, cửa ngõ giao thương quốc tế.

Cửa khẩu Mộc Bài, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài, cùng mạng lưới các tuyến đường tỉnh như ĐT 822, ĐT 823, ĐT 825… đang nối liền hai vùng đất, mở ra cơ hội giao thương rộng mở hơn bao giờ hết.
Việc hợp nhất không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế vùng, mà còn là cơ hội để Tây Ninh và Long An bứt phá, vươn ra biển lớn, hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thành phố Tân An nằm ở phía Tây Nam tỉnh Long An, cách TP.HCM khoảng 50 km, tiếp giáp trực tiếp với Tiền Giang và nằm ngay trên trục Quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ.
Đây là cửa ngõ kết nối vùng ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là điểm trung chuyển giữa TP.HCM và các đô thị vùng Tây Nam Bộ.
Thành phố Tân An thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực đóng góp hơn 40% GDP cả nước – và giữ vai trò là đầu mối liên kết giữa hai vùng động lực quốc gia: Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Thành phố Tân An thuận lợi trong tổ chức điều hành hành chính tỉnh mới sau sáp nhập.
Theo:Báo Dân Việt