Tầm vóc và ý nghĩa sự kiện chiến thắng đường 14 – Phước Long

Chiến thắng đường 14 – Phước Long (Bình Phước) có ý nghĩa về nhiều mặt: chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Khau doi DKZ 82 thuc hanh tieu diet muc tieu trong dien tap co ban dan that cap dai doi LLVT tinh BP 2024 e1736482427712
Khẩu đội DKZ 82mm, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước thực hành tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập có bắn đạn thật cấp Đại đội LLVT tỉnh Bình Phước năm 2024.

Chiến dịch đường 14 – Phước Long diễn ra từ ngày 17/12/1974 đến ngày 6/1/1975. Sau 26 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội chủ lực và quân dân Bình Phước đã tiêu diệt hoàn toàn các cụm cứ điểm chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình, yếu khu Bù Na, điểm cao Bà Rá và thị xã Phước Long. Đến trưa ngày 6/1/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long và đến 19 giờ cũng ngày, tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng.

Kết thúc thắng lợi chiến dịch đường 14 – Phước Long, ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, thu 5.000 súng các loại, 10.000 đạn đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 5 máy bay, giải phóng hơn 50.000 thường dân. Tỉnh Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của ngụy quân, ngụy quyền bị chọc thủng.

Đánh giá về chiến thắng đường 14 – Phước Long, Hội nghị Tỉnh ủy Bình Phước mở rộng từ ngày 15 – 17/3/1975 khẳng định: “Đây là thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với tỉnh ta, là thắng lợi của 20 năm chiến đấu không ngừng mà quân dân Phước Long, nhất là công nhân đồn điền, dân tộc và nhân dân các dinh điền, di dân cùng các tầng lớp lao động khác, là thắng lợi của sự kết hợp ba thứ quân”.

Chiến thắng đường 14 – Phước Long có ý nghĩa nhiều mặt: chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, tạo thế và xây dựng lực lượng ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tỉnh Phước Long, cùng với một vùng biên giới tỉnh Tây Ninh được giải phóng, đã mở ra một vùng căn cứ địa rộng lớn, tạo bàn đạp đứng chân cho các lực lượng lớn của ta áp sát Sài Gòn, mở ra vùng hậu phương trực tiếp tiếp tế cho cả chiến trường miền Nam. Chiến thắng Phước Long là ngọn cờ hiệu triệu cho phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Phước cũng như cho cả miền Nam, là một đòn trinh sát chiến lược giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.

Ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết đánh giá, chiến thắng Phước Long mở ra khả năng giành thắng lợi theo phương án dự kiến 2 năm 1975 – 1976 và quyết tâm kết thúc chiến tranh sớm trong năm 1975 khi thời cơ đã đến. Ta có đầy đủ quyết tâm và điều kiện thắng địch, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Tang qua CCB chong Phap
Lãnh đạo Hội CCB thị xã Phước Long tặng quà CCB tham gia chống pháp nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).

Trong khí thế chiến thắng, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn – Gia Định đã chín muồi. Hiện nay, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Toàn đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc cuộc chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đây là trận chiến đấu cuối cùng và kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc chiến 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975), hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Cùng với sự chuẩn bị các mặt của quân và dân cả nước, quân và dân Miền Nam nói chung, quân và dân Miền Đông Nam bộ trong đó có quân và dân Bình Phước nói riêng đã chuẩn bị về mọi mặt cùng quân và dân cả nước thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước đánh tan quân thù giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng đường 14 – Phước Long có ý nghĩa rất to lớn, là một đòn trinh sát chiến lược giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Van nghe hop mat nu CCB 2024 Hoi CCB tinh
Một tiết mục văn nghẹ trong Họp mặt nữ CCB tiêu biểu của Hội CCB tỉnh Bình Phước năm 2024.

50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng về chiến thắng đường 14 – Phước Long vẫn còn đó, chiến thắng đường 14 – Phước Long sẽ mãi mãi là niềm tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam nói chung và của các dân tộc anh em tỉnh Bình Phước nói riêng, khẳng định ý chí khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình của dân tộc ta. Dù trong gian khổ, dù phải hy sinh đến mấy, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tin Đảng, nguyện một lòng, một dạ đi theo Đảng thì mọi việc đều thành công. Thế giới khâm phục ý chí Việt Nam, đây chính là niềm tin, tài sản vô giá của đất nước ta, nhân dân ta không chỉ trong chiến tranh mà cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng như mai sau.

Đại tá Lê Huy Chung

Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước

Bài viết liên quan