Sắt son “lời thề” người lính Cụ Hồ!
Suốt gần 80 năm qua, ca khúc “Vì nhân dân quên mình” hằng ngày vẫn vang lên trong các đơn vị quân đội, trở thành tác phẩm định hướng sống và hành động cho bộ đội ta; chính là sự nhấn mạnh, khẳng định lời thề của những người quân nhân cách mạng đối với nhân dân, đối với dân tộc.
Từ trong kháng chiến chống Pháp tới nay, mỗi chiến sỹ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam từ ngày đầu bước vào quân ngũ đều được tập và hát vang bài ca “Vì nhân dân quên mình” của cố nhạc sỹ Doãn Quang Khải (1925-2007), sáng tác vào tháng 5/1951, bài hát đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi Văn học – Nghệ thuật toàn quốc năm 1952 – 1953.
Hàng triệu thế hệ cán bộ, chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ” đã nối tiếp nhau cống hiến, hy sinh và lập nên những chiến công chói lọi từ khát vọng, lý tưởng cao đẹp đó. Đây là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được sử dụng làm nhạc hiệu của Chương trình phát thanh QĐND và Chương trình truyền hình QĐND.
Có thể nói rằng lực lượng vũ trang nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, ai cũng biết bài hát “Vì nhân dân quên mình” của cố nhạc sỹ Doãn Quang Khải. Bài hát nói lên nguồn gốc “Từ nhân dân mà ra”, mục đích “Vì nhân dân mà chiến đấu” của QĐND Việt Nam, ca ngợi quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân và sự tin yêu của nhân dân với quân đội.
Lời ca “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình”… chính là sự nhấn mạnh, khẳng định lời thề của những người quân nhân cách mạng đối với nhân dân, đối với dân tộc. Đó cũng chính là lý do hiển nhiên, sâu sắc và nhất quán của sự ra đời, trưởng thành và phát triển của quân đội ta.
Chân lý cao đẹp mà giản dị đó đã được đúc kết từ thực tiễn suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, của mỗi người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Hàng vạn những chiến công lớn nhỏ, những hy sinh được biết đến vinh danh và những hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ quân đội đều được bắt nguồn từ lý tưởng, khát vọng cháy bỏng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành quân đội ta luôn giành thắng lợi và không ngừng lớn mạnh vì đã biết dựa vào dân, tin tưởng dân, coi trọng dân, trận địa lòng dân là then chốt quyết định mọi thành công. Dân là điểm tựa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ ta tự tin trên con đường ra trận.
Trong suốt mấy chục năm chiến tranh ròng rã giải phóng dân tộc, mọi người lính khi xa nhà đi đến đâu cũng cảm nhận như đang ở nhà mình, như có mẹ mình bên cạnh, chăm sóc lo toan, vì quân đội ta “từ nhân dân mà ra”, “vì nhân dân mà chiến đấu”. Từ đó mà được dân mến, dân tin muôn phần và quân đội cũng vì đất nước, vì nhân dân mà chiến đấu đem lại tự do, độc lập cho dân tộc, cho nhân dân.
Bác Hồ, người cha già kính yêu của dân tộc, của QĐND Việt Nam luôn căn dặn: “Quân đội ta trung với Nước, trung với Đảng, hiếu với Dân…”. Bộ đội ta là con em của dân, theo truyền thống ngàn đời của dân tộc con luôn phải giữ đạo hiếu với cha mẹ. Thế nên Nước – Đảng – Dân hòa quyện làm nên một trái tim của những người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong 80 năm qua, tình cảm của bộ đội đối với nhân dân là nhu cầu, là sự tự nguyện. Ở đâu có bom rơi, bão đạn, ở đó có bộ đội về bảo vệ nhân dân; ở đâu có thiên tai, lũ lụt ở đó có bộ đội về giúp dân gây dựng lại cuộc sống; ở đâu cần con chữ, còn thiếu thốn ánh sáng đời sống văn hóa tinh thần thì ở đó có bộ đội về với dân…
Vừa qua, khi cơn bão Yagi (bão số 3) tàn phá các tỉnh, thành miền Bắc nước ta gây thiệt hại lớn về người và của… Bên cạnh các lực lượng chức năng, bộ đội cũng là đơn vị tiên phong đến với nhân dân ngay những giờ phút khó khăn nhất, không quản hiểm nguy gian khổ, lặn lội cứu dân, cứu trợ, giúp tái thiết cuộc sống cho hàng triệu người dân, phục vụ nhân dân theo mệnh lệnh từ trái tim mình.
Thấm thoát đã 73 năm của ca khúc “Vì nhân dân quên mình”, một bài hát có sức sống thật diệu kỳ. Lớp cha trước, lớp con sau và cả lớp cháu chắt sau này vẫn còn hát mãi những câu hát ấy. Những câu hát của “Bộ đội Cụ Hồ” đã vang lên trên khắp mọi miền của đất nước, trong tất cả những chặng đường lớn lên, trưởng thành của quân đội, của các thế hệ chiến sỹ…
Mấy chục năm đã qua đi nhưng sức sống của bài ca vẫn còn tươi nguyên, vẫn đầy sức vẫy gọi các chiến sỹ ta “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” và vẫn “thề tranh đấu suốt đời vì nhân dân”.
Đại tá Lê Huy Chung, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước