Cựu chiến binh Dương Văn Hòa cuộc chiến chưa bao giờ kết

Lâm Đồng cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hệ lụy tàn khốc mà nó để lại vẫn còn hiện hữu trong từng mái nhà, trên từng cơ thể gầy mòn và trong cả những ánh mắt buồn lặng lẽ.Ở thôn Phúc Thạch, xã Tân Hà Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (Mới) , có một người lính” Cụ Hồ” đang sống lặng lẽ giữa đại ngàn ông Dương Văn Hòa, 86 tuổi, Cựu chiến binh đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến, nay đang sống cùng vợ con,cháu trong căn nhà gỗ mục nát giữa đồi cà phê với nổi đau thầm lặng.

Hào quang lặng thầm sau chiến tranh

Ông Hòa từng là người lính “Cụ Hồ” tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp rồi tiếp tục cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên người ông là hàng chục vết thương, cả trên da thịt lẫn trong ký ức. Năm 1970, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký trao Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, và sau đó là Huy chương Kháng chiến hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông là người lính sống đúng nghĩa “trọn đạo với nước, vẹn tình với đồng đội”.

283e872c70bbc6e59faa scaled
Ông Dương Văn Hòa bên tấm bằng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, do Hội đồng Chính phủ trao tặng năm 1970.
ad466b7c95eb23b57afa 1
Bằng khen Huy chương Chiến sĩ vẻ vang của ông Dương Văn Hòa do Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng, có chữ ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cấp ngày 11/12/1970.
b85ae77419e3afbdf6f2 scaled
Huy chương Kháng chiến hạng Nhì của ông Dương Văn Hòa do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng ngày 07/6/2005.
bad2c2ca3c5d8a03d34c
Bằng khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng trao tặng ông Dương Văn Hòa hội viên xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Cũ) với tấm gương “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội”, năm 2013.

Thế nhưng, điều khiến ông đau nhất lại không nằm ở những năm tháng trận mạc. Đó là khi trở về, mang trong người chất độc màu da cam – Đioxin vết thương đau cho từng thế hệ, và thấy những đứa con chào đời không lành lặn, trí tuệ khiếm khuyết – dù chưa từng biết mùi bom đạn.

“Tôi từng nghĩ nếu có chết ngoài chiến trường cũng nhẹ lòng. Nhưng khi thấy con mình mang dị tật, tôi ước giá như nỗi đau ấy dừng lại ở tôi…” – ông Hòa ngậm ngùi.

7b310b8e8c193a476308
Ông Dương Văn Hưởng con trai ông Hòa bị thần kinh với dị tật tay bẩm sinh, là minh chứng đau lòng của chiến tranh để lại cho thế hệ sau

Ngôi nhà không tiếng cười

Hiện nay, ông bà Hòa sống trong một túp lều gỗ xiêu vẹo giữa rẫy sâu. Gió lùa từ bốn phía, mái tôn thủng loang lổ, đồ đạc chỉ là vài thứ chắp vá. Tuổi già, bệnh tật, nghèo khó và nỗi buồn từ những đứa con mang di chứng, khiến tổ ấm ấy lạnh lẽo đến nghẹt thở.

ff2c5c24a2b314ed4da2
Căn nhà gỗ mục nát nơi hai vợ chồng già nương náu suốt nhiều năm trong cảnh khó nghèo.

Mỗi sáng, bà lom khom nhóm bếp bằng củi rẫy, ông lặng lẽ chăm chút cho những đứa con không tự chăm sóc được bản thân. Ở tuổi mà lẽ ra họ phải được nghỉ ngơi, họ vẫn phải vật lộn với cơm gạo, thuốc men và tật nguyền kéo dài.

f4a08cad723ac4649d2b scaled
Bà Phạm Thị Chè vợ ông Hòa già yếu, lặng lẽ trong lều tạm dựng giữa rẫy.

Chất độc da cam – vết thương thế hệ

Chiến tranh kết thúc, nhưng chất độc da cam – Đioxin vẫn tiếp tục gieo đau đớn lên thế hệ thứ hai, thứ ba. Những đứa trẻ được sinh ra trong hòa bình nhưng mang dị tật, thiểu năng, đau bệnh triền miên – là hậu quả không thể chối bỏ của một loại hóa chất đã tàn phá hơn 4,8 triệu người Việt Nam.

Gia đình ông Hòa là một trong hàng trăm nghìn nạn nhân da cam trên cả nước. Sự giúp đỡ vẫn còn hạn chế, chế độ hỗ trợ chưa đủ để họ thoát khỏi nghèo đói và tuyệt vọng. Nỗi đau không chỉ là y học – mà là nỗi cô đơn, sự lãng quên, và bất công vẫn đang kéo dài.

“Không ai chọn trở thành nạn nhân. Nhưng nếu xã hội im lặng, thì vết thương ấy sẽ trở thành di sản bất hạnh cho cả dân tộc.”

Người lính”Cụ Hồ”ấy không cần những lời tung hô. Ông cần một mái nhà vững chắc, một giường ấm khi mưa xuống, và một lời hỏi han khi trái gió trở trời. Ông cần cộng đồng dang tay, cần chính sách thực chất và công bằng cho nạn nhân da cam.

Những gia đình như ông Hòa không chỉ cần sự chia sẻ, mà còn cần cả một cuộc đấu tranh pháp lý quốc tế để đòi lại công lý. Đó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là bổn phận của mỗi người dân hôm nay, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Có những người đã lặng lẽ hi sinh tuổi trẻ để Tổ quốc được hòa bình. Nhưng hòa bình thật sự chỉ đến khi họ được sống xứng đáng trong phần đời còn lại. Đừng để những người lính”Cụ Hồ”phải chịu thêm một cuộc chiến thứ hai – cuộc chiến với lãng quên và nghèo khổ.

Quốc Điệp – Đình Khiên

 

Bài viết liên quan