TP.HCM tổ chức tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp: Từ tiềm năng đến hành động”

Sáng ngày 17/7, tại TP.HCM, Sở Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Động lực phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh – Từ tiềm năng đến hành động”, nhằm làm rõ vai trò then chốt của công nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng GRDP và định hình chiến lược phát triển bền vững của Thành phố trong giai đoạn mới.

Tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Lộc Hà – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lê Hoàng Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM; Cùng lãnh đạo các Sở, ngành, Chuyên gia, Nhà khoa học, đại diện Cộng đồng Doanh nghiệp, Hiệp hội và các Cơ quan Báo chí.

Công nghiệp: Trụ cột tăng trưởng và kỳ vọng bứt phá

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định: “Công nghiệp không chỉ là một trong những trụ cột lớn của kinh tế Thành phố mà còn là động lực lan tỏa thúc đẩy các ngành khác phát triển”.

z6812901694629 079cf63a71631e17c1fb6e3d0de2a01a 768x432 1
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – GĐ sở công thương phát biểu khai mạc Tọa đàm

Với dân số gần 14 triệu người, GRDP của TP.HCM trong năm 2024 ước đạt hơn 104 tỷ USD – cao nhất cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp đóng góp khoảng 30% GRDP. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm kinh tế – công nghiệp – thương mại hàng đầu của cả nước mà TP.HCM đã và đang duy trì vững chắc. Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn lớn đang kìm hãm đà bứt phá của công nghiệp TP.HCM, điển hình như: Chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng 16–20% trong giá thành sản phẩm – cao hơn trung bình của khu vực; Quỹ đất công nghiệp sạch còn hạn chế, ảnh hưởng đến năng lực thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; Tự động hóa trong sản xuất còn thấp, năng suất lao động nhiều doanh nghiệp chỉ đạt 60% so với trung bình các đô thị công nghiệp phát triển; Một số doanh nghiệp sản xuất vẫn còn lạc hậu, chưa sẵn sàng thích ứng với xu thế chuyển đổi số, công nghiệp xanh và bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh Hoa Kỳ áp thuế lên nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, TP.HCM cần phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm để thích ứng linh hoạt.

z6812901707108 049d69e0b825554922b92ae43714f1fc 768x432 1
Các đại biểu tham gia Chương trình Tọa đàm tại Hội trường

Nhằm giải quyết các nút thắt cản trở phát triển công nghiệp, chương trình tọa đàm tập trung vào thảo luận 5 nhóm vấn đề trọng tâm:

  1. Giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp – logistics – năng lượng đồng bộ: Các chuyên gia tập trung phân tích giải pháp để hình thành các khu công nghiệp hiện đại, công viên khoa học công nghệ, cụm logistics tích hợp phục vụ nhu cầu chuỗi cung ứng toàn cầu. TP.HCM cần có cơ chế đặc thù để giảm chi phí logistics, chi phí mặt bằng và đảm bảo hạ tầng năng lượng cho công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp xanh.
  2. Chiến lược đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa và năng suất lao động: Công nghiệp TP.HCM cần được tái định vị để sản xuất ra các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, gắn với các công trình trọng điểm quốc gia, góp phần xây dựng đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT, dữ liệu lớn và tự động hóa toàn diện được xem là điều kiện sống còn để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh.
  3. Cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ:Tọa đàm nêu rõ: TP.HCM cần ban hành các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như vật liệu mới, linh kiện công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
  4. Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao và năng lực quản trị sản xuất hiện đại: Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Thành phố cần các giải pháp đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất thông minh, bền vững. Việc gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để hình thành hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo.
  5. Kiểm soát ô nhiễm, phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn: Đổi mới công nghiệp không thể tách rời các yêu cầu về môi trường. Tọa đàm nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon và áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn.

Hướng đến công nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững

Phát biểu tổng kết tọa đàm, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho rằng: Thành công của ngành công nghiệp Thành phố trong nhiều năm qua không thể thiếu vai trò đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư, các viện nghiên cứu, cơ quan báo chí, truyền thông… Sự đồng thuận và kết nối đó tạo nên nền tảng vững chắc để công nghiệp Thành phố phát triển đột phá, bền vững trong tương lai.

z6812901718473 4680a08e7936fabc03c101bf146f4627 768x432 1

Ngay sau tọa đàm, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Hiến kế phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là hoạt động tiếp nối nhằm tập hợp ý kiến, sáng kiến, dữ liệu thực tiễn từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân… chuyển hóa thành chương trình hành động cụ thể.

“Chúng tôi cam kết lắng nghe, tiếp thu toàn diện các ý kiến đóng góp, nghiên cứu kỹ lưỡng và biến chúng thành chính sách khả thi để xây dựng ngành công nghiệp Thành phố hiện đại, xanh và thông minh”, đại diện Sở nhấn mạnh.

Tọa đàm khép lại với niềm tin rằng, TP.HCM sẽ tiếp tục là đầu tàu phát triển công nghiệp – logistics – đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Những gợi mở, kiến nghị, hiến kế từ tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp lãnh đạo hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp giai đoạn 2025–2035, với tầm nhìn hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.

Theo: tintucsukien24h.vn

Bài viết liên quan