Nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật Phòng chống ma túy

(Chinhphu.vn) – Những kết quả tích cực từ việc triển khai Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết trong 2 năm qua đã từng bước ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma tuý. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc cũng bộc lộ và cần có biện pháp giải quyết để nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật Phòng chống ma túy.

Nhiều kết quả tích cực sau 2 năm triển khai 

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11, thông qua ngày 30/03/2021 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) đã thay thế Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 với rất nhiều điểm mới, trong đó có nhiều nội dung lần đầu tiên được quy định.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), để tổ chức triển khai, thi hành hiệu quả Luật và các văn bản quy định chi tiết, với vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy của Bộ Công an, trong 2 năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu giúp Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai Luật trên phạm vi toàn quốc; đã ban hành các công điện hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện; biên soạn các tài liệu liên quan để cấp phát xuống tận cấp xã; tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy.

Đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất trong đó đã bổ sung 3 tiền chất và 17 chất ma túy mới.

Ở địa phương, Công an các đơn vị, địa phương đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan thường trực phòng, chống ma túy, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy định chi tiết theo chức năng, nhiệm vụ; ban hành Quy chế phối hợp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện và quản lý người sau cai nghiện trên địa bàn; xây dựng Hướng dẫn, quy trình công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và cai nghiện ma túy hướng dẫn đến cấp xã…

Đến nay, 100% các địa phương đã hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, 8 tỉnh, thành phố có quyết định thành lập riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Để tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng nhân dân đã ban hành Nghị quyết chính sách về phòng, chống ma túy, trọng tâm là bố trí kinh phí cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, 7 địa phương còn lại hàng năm đều bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy (tham mưu UBND ban hành các đề án đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy) nên chưa tham mưu đề xuất ban hành Nghị quyết riêng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy từng bước đi vào nề nếp. Công an các địa phương phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác liên ngành, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định kiện toàn Tổ công tác liên ngành và có quy chế hoạt động; thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn.

Hiện toàn quốc có khoảng 1.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý hình sự vụ việc nào liên quan đến lĩnh vực này.

Cùng với đó, triển khai các quy định của Luật, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an) và các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát Biển đã tăng cường phối hợp theo quy định pháp luật. Riêng trong năm 2023, các Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy đã phối hợp phát hiện, bắt giữ trên 680 vụ với hơn 1.000 đối tượng; thu giữ trên 900 kg heroin; 1.226kg và gần 630 nghìn viên ma tuý tổng hợp.

Đặc biệt, các mặt công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và quản lý người nghiện ma tuý sau cai đã được triển hiện hiệu quả theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay, cả nước có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy và 14.996 người bị quản lý sau cai nghiện ma túy. Đây là số liệu được thống kê theo đúng quy định của Luật Phòng, chống ma tuý, qua đó giúp cơ quan chức năng chủ động triển khai các giải pháp để “giảm cầu” ma tuý hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.

Đối với việc xác định tình trạng nghiện, cả nước đã có 6.733 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, tăng 2.311 cơ sở so với trước đây, về cơ bản đã đáp ứng được công tác xác định tình trạng nghiện, trong đó có hơn 54% cơ sở cấp xã.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Luật Phòng chống ma túy năm 2021 đã giúp quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. 

Công tác rà soát, thống kê và tổ chức các biện pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được quan tâm chỉ đạo và thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc; việc rà soát được thực hiện từ xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu, chất lượng, phản ánh tương đối chính xác thực trạng người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy.

Trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chi tiết, đơn giản, rút gọn, phù hợp với thực tiễn, nhiều địa phương chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Giải quyết những khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, việc thi hành Luật Phòng chống ma túy 2021 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đều gặp khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy. Các Nghị quyết của HĐND chủ yếu ưu tiên hỗ trợ công tác cai nghiện (phục vụ công tác giảm cầu), chưa quan tâm đúng mức hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy (Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển).

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiệu quả còn thấp. Số đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tình trạng người nghiện đăng ký cai nghiện nhưng không có cơ sở tiếp nhận do chưa có cơ sở cung cấp dịch vụ, trong khi cơ sở cai nghiện công lập thì quá tải, không tiếp nhận cai nghiện tự nguyện.

Về hình thức cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, các tổ chức, cá nhân không đầu tư vào lĩnh vực này do không có lợi nhuận, người nghiện đa phần thuộc người nghèo, không tự chi trả được các chi phí cai nghiện.

Về công tác quản lý sau cai, người nghiện ma túy không khai báo khi hoàn thành cai nghiện, bỏ đi khỏi địa phương nên công tác quản lý sau cai và lập hồ sơ đưa vào danh sách quản lý sau cai gặp khó khăn…

Hơn nữa, mạng lưới cơ sở cai nghiện công lập không đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương bị thiếu cục bộ, quá tải về công suất. Hiện nay, số người nghiện lập hồ sơ đi cai nghiện bắt buộc tăng cao, dự báo tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải ở một số cơ sở cai nghiện trong thời gian tới.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, hiện nay Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì trong công tác phòng chống ma túy, tham mưu Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống ma túy ở địa phương.

Bộ Công an đề nghị các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính có biện pháp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả việc triển khai thi hành Luật Phòng chống ma túy. UBND cấp tỉnh cũng cần quan tâm, chỉ đạo các ban ngành cơ sở bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với mỗi thành viên, không để tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng Công an trong công tác phòng chống ma túy. Xây dựng các mô hình, tạo nguồn vốn, công ăn việc làm cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần “giảm cầu”, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy…

Hoàng Giang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan