Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh

“Người cho em tất cả…”
Lời ca ấy đã ngân vang suốt nửa thế kỷ, vang trong lớp học, vang trong những sân trường đầy nắng, vang trong giấc mơ thơ trẻ  như một lời thì thầm từ quá khứ vọng về, chở đầy tình thương và ánh sáng từ một con người: Bác Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc. Có lẽ chưa từng có một bài hát thiếu nhi nào lại dung dị mà sâu xa đến thế. Ca khúc “Người cho em tất cả”, sáng tác năm 1975 năm đất nước hoàn toàn sạch bóng quân thù  đã chọn đúng khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử để gửi gắm một tri ân lặng lẽ, một niềm xúc động ngọt ngào.

Bài ca của ánh sáng, bài ca của lòng biết ơn

Mở đầu bài hát là những tặng phẩm của đất trời:
“Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh
Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh…”

Đó là lời kể của một em bé, hồn nhiên đếm từng điều kỳ diệu trong thế giới quanh em  ánh nắng, trăng rằm, quả ngọt, cá tôm, đồng lúa… Em nhìn cuộc sống bằng đôi mắt reo vui, cảm nhận vạn vật như những món quà được tặng. Và em biết ơn. Đứa trẻ ấy chưa học chữ “tri ân”, nhưng chính tiếng hát ấy là hiện thân của lòng biết ơn thuần khiết nhất. Rồi đột nhiên, giữa dòng chảy êm đềm của bài hát, câu hát vỡ òa như tiếng lòng vỡ lẽ:
Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh.

1 copy 6
Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến mừng Ngày sinh nhật Bác Hồ vào tháng 5/1956. Ảnh tư liệu.

Đó không còn là liệt kê những gì em được nhận, mà là sự thức tỉnh, nhận ra người đã làm nên tất cả. Chính Bác – Người mang lại hòa bình, cho em một cuộc đời mới, tươi sáng, để em được cắp sách đến trường, được mơ ước, được hát, được sống. “Người cho em tất cả” không chỉ là một ca khúc dành cho thiếu nhi, mà là một tượng đài bằng âm thanh và cảm xúc, dựng nên từ chất liệu của lòng dân, của tình yêu đất nước, của đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những đứa trẻ sinh sau 1975 khi đất nước đã độc lập có thể chưa hiểu chiến tranh là gì, chưa biết Bác là ai qua những trang sử, nhưng lại hiểu qua bài hát ấy, qua chiếc khăn quàng đỏ thắm, qua từng lời ru của mẹ và giọng đọc của cô giáo. Bài hát đã gieo vào lòng trẻ thơ một hạt giống yêu thương, và chính tình yêu ấy lớn lên theo năm tháng sẽ hóa thành ý chí, thành hành động, thành khát vọng dựng xây đất nước.

Người còn mãi trong lời hát của em thơ

Bác đã đi xa. Nhưng di sản Người để lại  không chỉ là tư tưởng, đạo đức hay phong cách  mà còn là những giọt sương tinh khôi đọng lại trên những bài hát, những vần thơ, những câu chuyện kể quanh bếp lửa mỗi chiều mưa. Bác sống mãi trong mỗi mùa hoa phượng, trong tiếng trống trường rộn rã tháng 9, trong ánh mắt rạng rỡ của những em bé miền xuôi, miền ngược, và trong những điều tưởng như nhỏ bé: Một trang vở sạch, một chiếc bánh trung thu, một tấm áo ấm ngày đông…

3
Bác Hồ chia kẹo cho thiếu nhi thị xã Cao Bằng trong chuyến thăm tỉnh Cao Bằng ngày 21/2/1961. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Tất cả những gì em có hôm nay, đều khởi đầu từ Người. Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Bác, bài hát ấy lại một lần nữa ngân vang như một lời nhắc nhở thiêng liêng:  Làm theo lời Bác, không cần phải bắt đầu bằng những điều lớn lao. Hãy bắt đầu bằng tình yêu trẻ thơ. Bằng cách mở ra trước mắt các em một thế giới an toàn, tử tế và đáng sống. Bằng những mái trường sạch đẹp, những bàn tay nâng đỡ khi em vấp ngã, bằng những chính sách nhân văn và thiết thực như Bác từng căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Và nếu hôm nay, bạn bắt gặp một em bé hát khe khẽ bên cửa sổ: “Người cho em tất cả là Bác Hồ Chí Minh”, hãy mỉm cười. Bởi vì: Bác vẫn còn đây. Trong từng lời ca. Trong trái tim em thơ. Và trong chúng ta.

Lê Huy Chung 

Bài viết liên quan