Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với chính sách quan trọng nhất là tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Ngày 28/11, tại kỳ họp thứ 8, với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với chính sách quan trọng nhất là tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc hàm.

17327668451232065846187
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang tại phiên họp thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp úy tăng từ 46 lên 50, thiếu tá từ 48 lên 52, trung tá từ 51 lên 54, thượng tá từ 54 lên 56, đại tá từ 57 (đối với nam) và 55 (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ). Cấp tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 lên 60 tuổi.

Luật vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan. Theo đó, cấp Đại tướng, số lượng không quá 3, bao gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, số lượng không quá 14, bao gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Screenshot 33

Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng; sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng.

Sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái được phê chuẩn giữ chức vụ Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Luật cũng cho phép Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy từ chủ nhiệm tổng cục, tổng cục trưởng, chính ủy tổng cục cho tới trung đội trưởng. Tuy nhiên, không được vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ đã được quy định.

17327668451026691
Quốc hội bấm nút thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị đánh giá tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội, làm rõ tỉ lệ hưởng lương đối với sĩ quan sau khi tăng tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 tuổi.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sau khi tăng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất đối với sĩ quan từ 1 – 5 tuổi, sẽ tăng thêm thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội ở mức đóng cao nhất đối với sĩ quan trước khi nghỉ hưu, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, tăng thêm sự bảo toàn, tăng trưởng và cân đối quỹ trong dài hạn.

Việc này cũng thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội góp phần an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Nguyễn Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan