Sẵn sàng đón “sóng” FDI dịch chuyển

11/12/2020 23:12

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại quốc tế, Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầu tư an toàn và đang có cơ hội lớn để tranh thủ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Hoya - một hãng sản xuất của Nhật Bản, có thể sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, nơi doanh nghiệp đã đầu tư 2 nhà máy vào năm 2004 và năm 2012. Động thái trên được coi là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của hãng theo hướng rời khỏi các thị trường có doanh số và lợi nhuận khó kiểm soát. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố, Hoya có tên trong danh sách 87 công ty sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ để thực hiện kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

0524-tr4
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết: Các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vàocác cơ hội đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Gần đây, trong số 30 DN Nhật Bản đã xin hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang một nước thứ 3 thì có tới 50% DN đã chọn Việt Nam. Ngoài ra, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, kinh tế số… tại Việt Nam cũng đang được DN Hoa Kỳ quan tâm. Một làn sóng đầu tư quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ khởi động.

Đồng quan điểm, GS, TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - khẳng định: Trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Việt Nam nằm trong sự lựa chọn hàng đầu và thực tế hai năm gần đây đã có một số nhà máy chuyển từ Trung Quốc sang nước ta. “Bên cạnh số lượng các DN vừa và nhỏ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển sẽ có thêm nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đầu tư những dự án quy mô hàng tỷ USD trong công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai, xây dựng thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội” - GS, TSKH. Nguyễn Mại dự đoán.

Mặc dù, trong bối cảnh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, làm hạn chế đi lại của các nhà đầu tư, khiến thu hút mới đầu tư nước ngoài sụt giảm hơn năm ngoái, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt 26,43 tỷ USD.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc khủng hoảng này đang đóng vai trò như một chất xúc tác trong cuộc đại tái cấu trúc hoạt động sản xuất toàn cầu theo hướng bền vững hơn và tranh thủ những lợi ích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Việt Nam được coi là một điểm đến ưu tiên của những DN hàng đầu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Việt Nam luôn được đánh giá cao ở nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng, chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu, rộng. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, gần đây nhất là EVFTA, góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, để đủ điều kiện đón những “đại bàng lớn” trong thu hút FDI, ông Don Lam - Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital – cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng. “Việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp” – ông Don Lam gợi ý và cho rằng, cần thành lập mô hình cụm ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng. Điều này sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa giá trị FDI, vừa củng cố niềm tin của DN để sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó. “Các nhà đầu tư thích giảm thuế, nhưng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quá cần thiết để thu hút FDI. Việt Nam cần chủ động chọn dòng vốn phù hợp, thay vì ngồi đợi vốn đến” - ông Don Lam nói.

Nhờ đảm bảo 4 yếu tố mà DN FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia gồm: Nguồn lao động có tay nghề, hệ thống logistics thuận tiện, môi trường pháp lý linh hoạt và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định… Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Quỳnh Nga

TagTag:

Tin mới hơn

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa an vui khi về già Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Điểm tựa an vui khi về già ECPay và PTI ký kết hợp tác toàn diện ECPay và PTI ký kết hợp tác toàn diện Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế trong Hiệp hội an sinh ASEAN Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế trong Hiệp hội an sinh ASEAN Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chủ động, hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19 Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Chủ động, hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19

Tin cũ hơn

Tỷ giá ngoại tệ ngày 10/12: Đồng USD chưa dứt đà tăng Hội nghị ASSA 37 - Mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội Tỷ giá ngoại tệ ngày 9/12: Đồng USD tiếp tục tăng giá Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 80% kế hoạch năm Tỷ giá ngoại tệ ngày 8/12: Đồng USD phục hồi từ đáy Ngành hải quan: Thu ngân sách vào “chặng nước rút”
[Xem thêm]

Bạn đang đọc bài viết "Sẵn sàng đón “sóng” FDI dịch chuyển" tại chuyên mục Dự án - Đấu thầu. DOANH NHÂN CỰU CHIẾN BINH ONLINE  

Cùng chuyên mục