Trước khi sáp nhập với Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh Long An sang Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư, xuất khẩu nông sản
Trước khi sáp nhập với tỉnh Tây Ninh thành tỉnh Tây Ninh mới, tỉnh Long An sang làm việc với một số địa phương của Trung Quốc để xúc tiến những loại nông sản chủ lực, nhất là sau khi sáp nhập, không gian phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh mới rất rộng mở.
Trước khi sáp nhập với Tây Ninh, tỉnh Long An lập đoàn công tác sang Trung Quốc xúc tiến cơ hội đầu tư, hợp tác
Theo thông tin trên báo Long An, ông Mai Văn Nhiều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh Long An cho biết, chuyến đi tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã gặt hái được nhiều kết quả thành công bước đầu như mở ra định hướng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Long An xuất khẩu vào tỉnh Liêu Ninh, một thị trường đầy tiềm năng ở phía Đông Bắc Trung Quốc (tại thành phố Thẩm Dương và thành phố Đại Liên đang có nhu cầu rất cao đối với sản phẩm nông sản của tỉnh Long An: Gạo, chanh không hạt, chuối, sầu riêng); kết nối hạ tầng logistic thông qua Cảng Quốc tế tỉnh Long An và các cảng biển của tỉnh Liêu Ninh nhằm tối ưu hóa xuất, nhập khẩu hàng hóa của hai tỉnh; tỉnh Liêu Ninh có lợi thế phát triển công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo, công nghệ cao, chuyển đổi số, du lịch,…

Trước đó, ngày 15/5, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, Đoàn công tác hữu nghị tỉnh Long An do ông Mai Văn Nhiều làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Long An, Việt Nam – tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Chương trình có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo các tập
đoàn và nhà đầu tư Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến thị trường Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng.
Tại chương trình, ông Lãnh Tuyến Phong – Phó Thị trưởng thành phố Đại Liên, giới thiệu Đại Liên là trung tâm công nghiệp và cảng biển quan trọng của khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
Ngoài lĩnh vực công nghiệp và logistics, ông Lãnh Tuyến Phong cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại song phương, giao thương hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, ông mong muốn mở rộng tăng cường hợp tác các lĩnh vực khác với phía tỉnh Long An như hợp tác đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, nghiên cứu vật liệu mới, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, ẩm thực – du lịch giải trí và chuyển đổi số trong thời gian tới. ‘
Tỉnh Long An được đánh giá là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược mở rộng đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách HĐND tỉnh Long An – Mai Văn Nhiều cho biết Long An luôn sẵn sàng hợp tác trên tinh thần thiện chí, thực chất và cùng có lợi, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế hợp tác ổn định, lâu dài với doanh nghiệp và chính quyền các địa phương Trung Quốc.
Trong khuôn khổ chương trình, phiên kết nối doanh nghiệp đã diễn ra sôi nổi với nhiều cuộc trao đổi thực chất giữa các doanh nghiệp Long An và Trung Quốc.
Đại diện Cảng Quốc tế Long An đã giới thiệu hệ sinh thái tích hợp gồm cảng biển, khu công nghiệp và khu đô thị hiện đại, đóng vai trò trung tâm trung chuyển hàng hóa, kết nối thuận tiện giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng chuỗi cung ứng.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An cũng chia sẻ những định hướng hợp tác trong tương lai, bao gồm việc hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam, kết nối kênh phân phối và khai thác thị trường nội địa thông qua cộng đồng doanh nhân.
Đồng thời, Hội mong muốn nhận được sự phối hợp nhằm đưa sản phẩm của Long An, đặc biệt là hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến và nông sản, thâm nhập thị trường Trung Quốc một cách bài bản, thông qua hệ thống phân phối chính quy và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Sáp nhập Long An – Tây Ninh, tỉnh mới Tây Ninh có gì?
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Long An, năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đạt những kết quả ấn tượng và khá toàn diện. Đặc biệt, giá trị sản xuất gia tăng ở nhiều loại nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Một số cây trồng chủ lực của tỉnh như thanh long, sầu riêng, chanh, bưởi,… sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng tăng so cùng kỳ.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ; có xuất hiện một số ổ dịch mang tính chất nhỏ, lẻ và đã kịp thời khống chế, không để lây lan trên diện rộng.
Công tác khai thác, nuôi trồng thủy sản được tập trung chỉ đạo theo khung thời vụ, tình hình tiêu thụ thủy sản thuận lợi, sản lượng nuôi trồng tăng so cùng kỳ.
Thông tin từ Chi cục trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tổng diện tích lúa năm 2024 của tỉnh ước đạt 538.900ha, đạt 108,8% kế hoạch, tăng 4,38% so cùng kỳ năm 2023, năng suất thu hoạch bình quân đạt 5,91 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 3,18 triệu tấn, đạt 111,8% kế hoạch, tăng 3,43% so cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh cũng tăng so cùng kỳ, tình hình tiêu thụ tương đối thuận lợi, giá bán hầu hết các sản phẩm nông sản đều tăng so cùng kỳ, đặc biệt là lúa, chanh, thanh long và mít.
Đối với chăn nuôi, đàn gia súc và gia cầm vẫn được duy trì ổn định với tổng đàn heo ước đạt 88.000 con; đàn gia cầm các loại ước đạt 10,25 triệu con; đàn bò ước bò đạt 101.800 con; đàn trâu ước đạt 4.900 con. Ước tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 89.278 tấn; sản lượng trứng 704.613 quả;…

Trong khi đó, theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn khá lớn nhất là phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có những bước chuyển quan trọng, cơ bản đã hình thành các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến đặc biệt là lúa, mía, khoai mì, cao su, cây ăn trái…
Cụ thể, đến nay, tổng diện tích lúa của tỉnh đạt khoảng 145.500 ha, sản lượng 785.900 tấn/năm.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.500 ha mía, sản lượng đạt 573.750 tấn/năm. Đối với cây mì, Tây Ninh hiện có diện tích vùng nguyên liệu hơn 62.020 ha, năng suất bình quân 33,7 tấn/ha, sản lượng trên 2,1 triệu tấn. Riêng cây cao su, toàn tỉnh có diện tích khoảng 98.200 ha, sản lượng trên 190.096 tấn/năm.
Những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi các cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp được chuyển sang cây ăn trái các loại với khoảng 24.820 ha (sầu riêng, chuối, mãng cầu, bưởi, xoài…) và hơn 20.040 ha rau các loại.
Đáng chú ý, việc thu hút, mời gọi đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh tăng, nhanh nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, góp phần gia tăng quy mô chăn nuôi đàn gia cầm.
Do vậy, việc sáp nhập, hợp nhất Tây Ninh – Long An sẽ mở rộng không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực sang các thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Theo:Báo Dân Việt