Từ giờ, nhiều trường hợp được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất mà người dân cần biết

Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất như nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng hoặc vật nuôi có thể được bồi thường nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024.

Bồi thường tài sản gắn liền với đất: Dựa trên giá trị xây dựng mới

Theo Khoản 3 Điều 91 Luật Đất đai năm 2024, chủ sở hữu tài sản hợp pháp nếu bị thiệt hại do thu hồi đất sẽ được bồi thường. Cụ thể, tại Điều 102, việc bồi thường được phân loại như sau:

– Đối với nhà ở, công trình phục vụ đời sống của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: nếu bị tháo dỡ, phá dỡ sẽ được bồi thường theo giá trị xây dựng mới tương đương với tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật. Người dân được phép tận dụng vật liệu còn lại từ công trình.

– Đối với công trình xây dựng khác, nếu phần còn lại không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật sau khi tháo dỡ thì được bồi thường toàn phần theo giá trị xây mới. Nếu vẫn đảm bảo sử dụng, mức bồi thường theo thực tế thiệt hại.

– Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội, mức bồi thường cũng được xác định theo giá trị xây dựng mới tương đương theo quy định chuyên ngành.

Việc xác định giá trị bồi thường thực hiện theo đơn giá do UBND cấp tỉnh ban hành, bảo đảm phù hợp giá thị trường và điều chỉnh khi có biến động.

319
Ảnh minh họa

Bồi thường cây trồng, vật nuôi: Tính theo thiệt hại thực tế

Điều 103 Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết về việc bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi:

– Cây hằng năm: Bồi thường theo giá trị sản lượng vụ cao nhất trong 3 năm gần nhất, nhân với đơn giá bồi thường tại địa phương.

– Cây lâu năm: Tính theo giá trị thực tế. Nếu đang trong chu kỳ thu hoạch, bồi thường phần sản lượng chưa thu hoạch theo số năm còn lại.

– Cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác: Bồi thường chi phí di dời, trồng lại và thiệt hại phát sinh.

– Vật nuôi không thể di chuyển, bao gồm cả thủy sản: Bồi thường theo mức thiệt hại thực tế, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể.

Người dân được tự thu hoạch, di chuyển cây trồng, vật nuôi trước thời điểm bàn giao mặt bằng.

Đơn giá bồi thường thiệt hại sẽ được UBND cấp tỉnh ban hành dựa trên quy trình sản xuất chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc địa phương, đảm bảo sát thực tế thị trường.

Trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất

Theo Khoản 2 Điều 105, người dân sẽ không được bồi thường tài sản trong các trường hợp sau:

– Tài sản được xây dựng trái quy định pháp luật (xây dựng trái phép, sai phép).

– Tài sản được xây dựng sau khi có thông báo thu hồi đất, tức trong thời gian đã biết rõ đất sẽ bị thu hồi.

Đây là những quy định nhằm ngăn ngừa việc cố tình tạo lập tài sản để “đón đền bù” trái pháp luật.

Với những quy định mới, người dân có quyền lợi hợp pháp cần chủ động liên hệ cơ quan quản lý đất đai tại địa phương (Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên – Môi trường…) để được hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý chứng minh quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, để đảm bảo được bồi thường đầy đủ và đúng quy định.

Theo:reatimes.vn

Bài viết liên quan