Vững vàng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhờ xét tuyển sớm

23/06/2022 22:11

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, nhiều sĩ tử đã chủ động lựa chọn đa dạng phương án xét tuyển để giảm áp lực thay vì dồn mọi hy vọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Những năm gần đây, các trường đại học đưa ra nhiều phương án xét tuyển khác nhau để tuyển sinh, không còn phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phổ biến nhất trong số đó là phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của một số trường đại học lớn.

Với thí sinh, thêm một phương thức xét tuyển là thêm một cơ hội đặt chân vào cánh cổng trường đại học mình yêu thích. Thậm chí, khi nắm chắc cơ hội trúng tuyển bằng các phương thức khác, thí sinh cảm thấy nhẹ nhõm, thăng hoa hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thi sinh an tam khi lua chon xet hoc ba tu som anh 1

Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Kỳ thi đánh giá năng lực ngày 22/5 vừa qua của ĐH Quốc gia TP.HCM, Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 12, trường THPT Tam Hiệp (Đồng Nai), di chuyển từ nhà ở Đồng Nai lên TP.HCM để tham gia thi. Kỳ thi này, nữ sinh đặt hy vọng đạt điểm cao để xét tuyển vào ngành Tâm lý học của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Quỳnh Anh chia sẻ cả hai đợt thi đánh giá năng lực em đều tham gia, điểm đợt nào cao hơn, em sẽ dùng để xét tuyển vào trường đại học mình yêu thích.

“Em muốn thử sức ở cả hai đợt để có nhiều lựa chọn, cơ hội hơn. Điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 của em đủ đậu một vài ngành học nhưng chưa phải là ngành em đặc biệt yêu thích. Một phần nữa, việc ngồi trong phòng thi, làm quen với áp lực làm bài cũng là cách tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, Quỳnh Anh chia sẻ.

Sắp tới, Quỳnh Anh vẫn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh đặt hy vọng giành điểm cao nhưng không quá áp lực, căng thẳng về điều này vì trong tay đã có những phương án dự trù.

“Tất nhiên đi thi em vẫn cố gắng ôn tập, làm bài để đạt điểm cao nhưng nếu không được, em sẽ lựa chọn những trường, ngành mà mình đã đỗ bằng điểm thi đánh giá năng lực”, Quỳnh Anh lên kế hoạch.

Ngoài tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, Quỳnh Anh đã gửi hồ sơ xét tuyển bằng điểm học bạ đến một số trường đại học khác có đào tạo ngành Tâm lý học.

Tương tự Quỳnh Anh, em Hồ Phước Sơn, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP.HCM), cũng chuẩn bị cho mình phương án 2, ngoài việc tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sơn cho biết từ tháng 4, em đã hoàn thiện hồ sơ để xét tuyển bằng phương thức học bạ vào hai trường đại học mà em “nhắm” từ đầu. Với điểm học bạ khá “đẹp”, Sơn tự tin có thể trúng tuyển bằng phương thức này, vào ngành mà em yêu thích.

Thi sinh an tam khi lua chon xet hoc ba tu som anh 2

Xét tuyển học bạ trở thành phương án mang đến sự an tâm cho nhiều thí sinh lẫn phụ huynh. Ảnh: UEF.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết tất cả phương thức xét tuyển khi trúng tuyển đều học chung, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sinh viên, chương trình đào tạo, giá trị bằng cấp, không có bất cứ sự phân biệt nào. Vì vậy, thí sinh có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển của mình. Đặc biệt trong mùa thi, càng có nhiều cơ hội, thí sinh sẽ được giảm bớt áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với ưu thế có thể lựa chọn từ sớm ngành học yêu thích, phù hợp với nguyện vọng và năng lực, việc xét tuyển học bạ cũng trở nên hấp dẫn nhiều thí sinh. Ngoài có thể giảm bớt được áp lực, sự cạnh tranh từ nhiều thí sinh khác, nhiều trường đại học cũng giúp thí sinh linh hoạt hơn với các lựa chọn của mình.

Đơn cử như trong năm 2022, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển sinh 35 ngành với 4 phương thức xét tuyển, bao gồm: Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét học bạ THPT lớp 12 tổ hợp 3 môn, xét học bạ THPT điểm trung bình 3 học kỳ.

Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, UEF đang nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt đến hết ngày 30/6. Hai phương thức xét tuyển học bạ THPT đều yêu cầu từ 18 điểm trở lên.

Zing News phối hợp ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) thực hiện tuyến nội dung “Tiếp bước đại học, vững bước tương lai”, nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh đại học trước thềm vượt vũ môn.

Năm 2022, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và trao nhiều suất học bổng tuyển sinh, tài năng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Bên cạnh đó, 17 chuyên ngành được doanh nghiệp tài trợ học bổng 30% toàn khóa học. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho sinh viên trúng tuyển qua mọi phương thức. Thí sinh đăng ký tìm hiểu thông tin về trường tại đây.

Bạn đang đọc bài viết "Vững vàng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhờ xét tuyển sớm" tại chuyên mục Giáo dục. DOANH NHÂN CỰU CHIẾN BINH ONLINE