Kim Ji Yeon (22 tuổi) có ý định phẫu thuật thẩm mỹ khi mới 7 tuổi. Trong suốt 13 năm, cô xé nát ảnh chụp, đấu tranh tư tưởng để được bố mẹ cho tiền sửa hàm.
Ji Yeon bỏ ra 2 tiếng mỗi ngày và hơn 200 USD mỗi tháng cho việc trang điểm và chăm chút vẻ bề ngoài. Cô muốn trở nên xinh đẹp hơn để được xã hội công nhận và tôn trọng.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc làm phẫu thuật với mong muốn đổi đời. Ảnh: HuffPost. |
Khi phẫu thuật trở thành món quà đỗ đại học
S, một nữ sinh sống tại thành phố Seoul, cho biết nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền cho con phẫu thuật. Phần lớn cha mẹ không muốn con mình xấu xí, trở nên lạc loài khi đến trường.
Thậm chí, nhiều gia đình lấy việc thẩm mỹ để "treo thưởng", thay cho món quà khi con cái đỗ đại học. Koogle TV thông tin, phụ huynh Hàn Quốc chi khoảng 3.000 USD cho món quà đặc biệt này.
Kim Hyun Ho, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ lâu năm ở Seoul, cho biết nhiều cha mẹ ở Hàn Quốc có xu hướng cho con phẫu thuật thẩm mỹ thay vì tặng quà thông thường.
"Cha mẹ cho con mình phẫu thuật thẩm mỹ cũng giống như đầu tư tiền cho con học tập. Họ nhận ra vẻ đẹp rất quan trọng cho sự thành công", Tiến sĩ Shim Hyung Bo, bác sĩ phẫu thuật ở Seoul, nhận định.
Tháng 6 hàng năm, số người đặt lịch hẹn phẫu thuật tăng cao. Đây là thời điểm học sinh vừa tốt nghiệp, được cha mẹ chi tiền đi làm đẹp. Phần lớn học sinh tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để nâng mũi, làm mí mắt.
Lee (18 tuổi), khách hàng của bác sĩ Kim Hyun Ho, cho biết em được mẹ tặng thưởng vì đỗ đại học. Mẹ của Lee là người chủ động đề nghị vì biết nữ sinh mặc cảm với ngoại hình của bản thân.
Jin Kim (18 tuổi) dự kiến làm phẫu thuật cắt mí sau khi tốt nghiệp trung học. Jin cho biết hơn nửa nữ sinh trong lớp được cha mẹ hứa cho tiền làm phẫu thuật nếu đỗ đại học.
Khác với nhiều nữ sinh khác, S là một trường hợp hiếm hoi bị ép đi phẫu thuật. Được biết, mẹ S mong muốn cô sửa mũi trước khi lên đại học.
Ban đầu, S cự tuyệt yêu cầu của mẹ. Nhưng sau khi phẫu thuật, cuộc sống của cô dần thay đổi.
"Mọi người đối xử với tôi rất khác. Thậm chí, khi đi nước ngoài, tôi cũng được ưu tiên, đối đãi tốt hơn", S nói với Vice News.
Phẫu thuật thẩm mỹ dần gắn liền với văn hóa đô thị Hàn Quốc. Ngay cả nam giới cũng tìm đến các thẩm mỹ viện để cải thiện nhan sắc, trau chuốt vẻ bề ngoài của bản thân.
Theo khảo sát năm 2015 của Gallup Korea, 30% phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 từng "đụng chạm dao kéo". Đa phần thanh niên Hàn Quốc mong muốn có gương mặt thon gọn, mũi cao, mắt hai mí và làn da trắng hồng.
Trong khi đó, số người phẫu thuật thẩm mỹ ở Mỹ chỉ vào khoảng 7%. Hút mỡ, nâng ngực là hai loại hình phổ biến ở quốc gia này.
Human Form, bộ phim nói về nỗi ám ảnh phẫu thuật thẩm mỹ của người Hàn Quốc. Ảnh: Naver. |
Những hậu quả khó lường
Phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu tiên xuất hiện tại Hàn Quốc vào cuối những năm 1950. Năm 1974, Tòa án Tối cao Hàn Quốc công nhận phẫu thuật thẩm mỹ là một hoạt động y tế được hợp pháp hóa, nhanh chóng lọt top những ngành nghề phát triển bùng nổ.
So Yeon Leem, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định người Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ để trở nên "bình thường" trong mắt mọi người.
Khi việc phẫu thuật thẩm mỹ trở nên bình thường trong xã hội Hàn Quốc, những người kém sắc, không làm đẹp sẽ bị cho là "bất thường", "lạc loài", đặc biệt là tại các trường học.
Ashley Perez, 20 tuổi chia sẻ câu chuyện không thể ở lại Hàn Quốc vì bị cho là xấu xí. Ashley vốn là con lai Hàn, nhưng cô luôn bị bắt nạt vì làn da tối màu, ngoại hình bình thường.
Không thể hòa nhập với cuộc sống ở nơi này, Ashley quyết định rời đi.
Không chỉ riêng Ashley, nhiều học sinh ở Hàn Quốc bị tẩy chay do ngoại hình không ưa nhìn. Vì thế, các em quyết tâm bỏ ra một số tiền lớn để cải thiện nhan sắc, tự cứu bản thân khỏi tình trạng bắt nạt.
Do chi phí đắt đỏ, nhiều người quyết định tìm đến những cơ sở thẩm mỹ "ma", mong muốn làm đẹp chỉ với một nửa giá tiền so với mặt bằng chung. Hậu quả để lại là những món nợ lên đến hàng chục nghìn USD, và những thương tật gây ám ảnh cả đời.
Theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc, quốc gia này có hơn 4.000 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhiều nơi là cơ sở thẩm mỹ "ma", không được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ không có chuyên môn.
Tháng 12/2013, một nữ sinh 19 tuổi rơi vào tình trạng chết lâm sàng sau khi phẫu thuật sửa mũi và tạo mắt hai mí tại một cơ sở làm đẹp ở Seoul.
Gia đình nạn nhân cho biết cơ sở đã tiến hành phẫu thuật mà không có giấy cam kết hay sự đồng thuận của phụ huynh. Bên cạnh đó, nữ sinh bị gây mê tổng thể dù phẫu thuật sửa mũi, cắt mí không yêu cầu dùng thuốc gây mê tác dụng mạnh.
Đến nay, vụ việc vẫn chưa được làm rõ, không một ai bị truy cứu trách nhiệm.
Trước tình hình đó, Hàn Quốc đã có những biện pháp ngăn chặn, hạn chế trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ. Năm 2018, Seoul Metro công bố kế hoạch cấm đặt biển quảng cáo thẩm mỹ tại các ga tàu điện ngầm của thành phố.
Đồng thời, nhiếp ảnh gia Jeon Bora đã phát động phong trào "Escape the Corset". Đây là hoạt động tôn vinh những người phụ nữ bất chấp các tiêu chuẩn làm đẹp thông thường, tạo ra không gian mới để phụ nữ tự do nói về áp lực cái đẹp ở quốc gia này.