Gia tăng ngộ độc thực phẩm trong quý I/2025: Thủ tướng chỉ đạo tổng lực chống hàng giả, đảm bảo an toàn thực phẩm

Trong quý I/2025, tình trạng ngộ độc thực phẩm tiếp tục có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể và khu vực bán hàng rong quanh trường học. Theo ghi nhận, hàng trăm người đã phải nhập viện điều trị, trong đó có nhiều học sinh tiểu học.

Cụ thể, ngày 8/4 tại Nghệ An, 12 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương đã bị ngộ độc sau khi ăn cơm nắm mua tại một quán nhỏ trước cổng trường. Các em xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đau bụng, được đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu kịp thời và hiện đã ổn định sức khỏe. (CTV)

Tại Hà Tĩnh, một vụ ngộ độc khác xảy ra tại thôn Lạc Tiến, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) khiến 4 người mắc, tuy không có trường hợp tử vong nhưng tiếp tục đặt ra cảnh báo về việc kiểm soát nguồn thực phẩm tại khu dân cư nông thôn.(CTV)

Mới đây nhất ngày 22/5  tại thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng, cháu Đ. T. H 3 tuổi bị ngộ độc cấp tính sau khi ăn vải, cháu nhập viện Nhi tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng co giật, nôn mửa và sốt cao. Hiện cháu đang được hồi sức tích cực và có dấu hiệu phục hồi sức khoẻ tốt.

z6631663847267 3a9561dc12881e948154c68086cdb699 scaled
Quả vải được xem là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc cấp tính của cháu Đ.T.H 3 tuổi ở Đam Rông, Lâm Đồng.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2024, cả nước ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.936 người mắc và 24 người tử vong. Riêng trong quý đầu năm 2025, tuy chưa có thống kê tổng thể, song các vụ việc xảy ra rải rác tại nhiều địa phương cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, ngày 17/5/2025, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới . Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh, sức khỏe và lòng tin của nhân dân, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

img3446 17474609726181784358485 20250517141624
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Do đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, xử lý

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã phát động “Tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả” từ ngày 15/5 đến 15/6/2025. Cục An toàn thực phẩm đề nghị các Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố . Bộ Y tế cũng đã chuyển cơ quan Công an 31 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, chứa chất cấm, sử dụng giấy tờ giả. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành, ký quy chế phối hợp với Bộ Công an để điều tra và xử lý các vụ việc liên quan . Trước diễn biến phức tạp của tình trạng ngộ độc thực phẩm và hàng giả trong lĩnh vực thực phẩm, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành là cần thiết. Người dân cũng được khuyến cáo nâng cao ý thức, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bích Khuê – Đoàn Hải 

Bài viết liên quan