Hà Nội 'nóng' bến bãi, kho xưởng lấn chiếm đê điều

19/01/2024 21:54

Năm 2023, các “điểm nóng” xây dựng nhà kho, xưởng vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn ra. Nguyên nhân do chính quyền một số nơi chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức thiếu kiên quyết, dứt điểm dẫn đến tình hình vi phạm vẫn phát sinh, số vụ vi phạm xử lý được còn hạn chế.

Sáng 19/1, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Lãnh đạo Chi cục cho biết, đơn vị được giao trực tiếp quản lý hơn 400 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục trong quản lý đê điều, phòng chống thiên tai.

Công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai còn gặp một số khó khăn do tình hình thiên tai sự cố, biến đổi khí hậu ngày một khó lường, nguy cơ mất an ninh nguồn nước ngày càng lớn; tình hình vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều vẫn còn phổ biến. Thái độ chủ quan còn xuất hiện ở một số chính quyền địa phương và bộ phận người dân.

Ngoài ra, cùng với tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, tại các khu vực bãi sông, ven đê, nhu cầu về vật liệu xây dựng, đất đai rất lớn. Trong khi đó việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông theo quy định của Luật Đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ chưa được thực hiện.

Hà Nội 'nóng' bến bãi, kho xưởng lấn chiếm đê điều - Ảnh 1.

Kho bãi vi phạm tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai

Trong năm 2023, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 59 vụ vi phạm Luật Đê điều (từ 09/12/2022 đến 09/12/2023), giảm 16 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Chi cục đã chỉ đạo, đôn đốc các Hạt Quản lý đê tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm, kịp thời lập biên bản, gửi tới chính quyền cơ sở để xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, kết quả xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm còn thấp; số vụ vi phạm phát sinh năm 2023 còn tồn đọng là 51 vụ. Tình trạng vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai vẫn xảy ra, với tính chất đa dạng, phức tạp, tinh vi hơn gây khó khăn trong công tác quản lý.

Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai chỉ rõ nguyên nhân do chính quyền một số nơi chưa coi trọng việc xử lý giải tỏa và còn hình thức thiếu kiên quyết, dứt điểm dẫn đến tình hình vi phạm vẫn phát sinh, số vụ vi phạm xử lý được còn hạn chế.

Trong năm 2024, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời diễn biến công trình đê, kè, cống, bờ bãi sông trên địa bàn Thành phố. Đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT và UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật phòng, chống thiên tai và tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông trên địa bàn, ngăn chặn xe quá tải đi trên đê. Rà soát lại việc giao, cho thuê đất bãi ven sông và hành lang bảo vệ đê, kiên quyết thu hồi và kiến nghị thu hồi theo thẩm quyền quy định đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, tập kết vật liệu khối lượng lớn có nguy cơ gây mất an toàn đê, xây dựng công trình, vật kiến trúc vi phạm các quy định về quản lý đất đai, đê điều và phòng chống thiên tai.

Trước đó, Thanh tra thành phố Hà Nội ban hành kết luận Thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong 20 vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đến thời điểm này (1/2024) 13 vụ việc vẫn chưa được xử lý xong. Trong đó nổi cộm là vụ việc Cty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai.

Thanh tra thành phố Hà Nội xác định trách nhiệm của UBND phường Lĩnh Nam từ năm 2010 - 2015, UBND phường đã không phát hiện, ngăn chặn hành vi xây dựng trạm trộn và các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh bê tông của Cty CP Sông Đà - Việt Đức.

Tháng 11/2015 - 8/2017, khi nhận được hồ sơ do Hạt quản lý đê số 3, UBND phường Lĩnh Nam không có biện pháp ngăn chặn, không thực hiện trình tự, thủ tục xử phạt hành chính, không báo cáo UBND quận Hoàng Mai...

Ngoài ra, các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều của Cty CP Sông Đà - Việt Đức diễn ra từ năm 2010 đến 8/2017 không bị UBND quận kiểm tra xử lý.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội 'nóng' bến bãi, kho xưởng lấn chiếm đê điều" tại chuyên mục Bất động sản. DOANH NHÂN CỰU CHIẾN BINH ONLINE