Huyện Bắc Bình: Nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai năm 2024
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ 1/8/2024; bước đầu triển khai Luật này tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã có những khó khăn nhất định, trong đó nổi bật là thiếu hụt về nhân lực, chưa có phôi giấy chứng nhận và “chưa thể” đồng bộ dữ liệu trên cổng thông tin điện tử với Sở Tài nguyên Môi trường…
Ông Nguyễn Ngọc Thi, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ với phóng viên: Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực kể từ 1/8/2024) có rất nhiều thủ tục, quy trình trước đây thuộc chức năng của Văn phòng đăng ký đất đai, nay được giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ kiểm tra thông báo kết quả đăng ký đất đai, trích lục bản đồ, chuyển thông tin nghĩa vụ tài chính, in giấy chứng quyền sử dụng đất để thực hiện các thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất… Ngoài ra, có khá nhiều chức năng, nhiệm vụ trước đây thuộc sở, ngành của tỉnh nay chuyển về cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết như: xác định giá đất cụ thể, thủ tục hành chính lĩnh vực trồng trọt…
Bên cạnh đó, hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đến nay chủ yếu do Văn phòng Đăng ký đất đai quản lý, khai thác, trong khi đó cán bộ công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường quá ít và cũng chưa được hướng dẫn tập huấn việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, phần mềm in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Theo ông Thi, hiện tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể, thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, máy móc thiết bị nên “chưa thể” đồng bộ dữ liệu trên cổng thông tin điện tử với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, với Bộ Tài nguyên Môi trường; thiếu nhân lực để thực hiện công việc và chưa có phôi giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, tới thời điểm hiện tại, Phòng chỉ mới dừng lại ở khâu giải quyết đăng ký hồ sơ cho dân chứ chưa cấp (lần đầu) Giấy chứng nhận nào.
Mặt khác, trong quá trình thẩm định hồ sơ, cần thực hiện các bước số hóa hồ sơ, ký số điện tử từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả, thu phí, lệ phí, luân chuyển hồ sơ, lập, cập nhật sổ cấp giấy chứng nhận, scan, quét lưu hồ sơ vào các thiết bị lưu trữ, kho lưu trữ…
Đồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu cho UBND huyện thực hiện công tác chuyên môn về quản lý khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước, giải quyết đơn thư, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thế nhưng, hiện nhân lực Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình “rất mỏng”, với 3 vị trí lãnh đạo (1 trưởng phòng, 2 phó trưởng phòng – PV) và 6 chuyên viên để thực hiện các nhiệm vụ như trước đây đã gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, máy móc thiết bị cũng còn thiếu nên “chưa thể” đồng bộ dữ liệu trên cổng thông tin điện tử với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, với Bộ Tài nguyên Môi trường… dẫn đến khó đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ người dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Bình cũng kiến nghị cấp trên xem xét biệt phái viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai sang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hoặc bổ sung thêm biên chế để phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho nhân dân.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng đã tiếp nhận nhiều hồ sơ của những hộ gia đình, cá nhân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, nhưng hiện nay Phòng chỉ mới dừng lại ở khâu giải quyết đăng ký hồ sơ cho người dân chứ “chưa cấp được Giấy chứng nhận nào vì mẫu phôi mới chưa có”;
Từ thực tế khó khăn trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng đã có những ý kiến tham mưu, kiến nghị lên tỉnh xem xét bổ sung thêm biên chế để huyện phân bổ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, nhằm kịp thời thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Luật đất đai năm 2024.
Ông Thi chia sẻ thêm và cho biết: “Chúng tôi cũng đã kiến nghị ưu tiên xem xét biệt phái viên chức của Văn phòng Đăng ký đất đai sang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về đất đai tại Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc bổ sung thêm biên chế để phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho nhân dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng xin chủ trương có thể sử dụng ngân sách từ khoản thu làm giấy tờ đăng ký đất đai để chi trả cho nhóm cán bộ này nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo quy định”.
Đến nay việc thực hiện Luật hiện đất đai 2024 của Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bắc Bình còn nhiều khó khăn: ngoài việc hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, chưa có “phôi” giấy chứng nhận để cấp, còn có bộ máy nhân sự thiếu hụt, chưa được đào tạo chuyên môn đối với những lĩnh vực mới.
Mong rằng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có những giải pháp kịp thời để giải quyết việc ách tắc trong việc cấp Giấy chứng nhận cho người dân trên địa bàn huyện Bắc Bình nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
Nguyễn Nam – Trần Hạnh