Năm 2025, Đồng Nai quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Tại họp báo về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2024 và các giải pháp chủ yếu năm 2025 hôm ngày 17/12, UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ tăng trưởng đạt 2 con số cho năm 2025.
Phát biểu tại họp báo ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 11 tháng của năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Đồng Nai đạt hơn 260.000 tỷ đồng, tăng 8% so với với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người năm đạt 148 triệu đồng/người. Dự ước tổng thu ngân sách nhà nước là 61.700 tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán và bằng 106% so với cùng kỳ.
Cũng theo ông Hùng, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phục hồi và tăng trưởng khá. Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,2% so với cùng kỳ. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển khá và tăng 13% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 23,4 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,7 tỷ USD, lần lượt tăng 8,5% và 7,2% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại toàn tỉnh dự ước xuất siêu khoảng 6,7 tỷ USD.
Trong đó, một số mặt hàng nhập khẩu chính tăng so với cùng kỳ như chất dẻo nguyên liệu, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, xơ dệt, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, máy vi tính, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Ngoài ra, tình hình thu hút đầu tư mới trong và ngoài nước và đăng ký doanh nghiệp trong 11 tháng của năm 2024 trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, 11 tháng trong năm 2024, tỉnh Đồng Nai cấp mới cho 23 dự án trong nước (trong đó, khu công nghiệp 9 dự án) với tổng số vốn đăng ký khoảng 138.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 87 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 735 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 33,8% về số dự án và tăng 31,3% về vốn đầu tư đăng ký cấp mới). Trong 11 tháng của năm 2024, có 4.321 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 50.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bước sang năm 2025, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng đồng bộ, thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đối số, chuyển đổi xanh.
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10% so với năm 2024, bình quân đầu người năm đạt 157,8 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng 8% trở lên. Tổng số vốn đầu tư phát triển kinh tế toàn tỉnh năm 2025 khoảng 134.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, phấn đấu 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hoạt động hiệu quả và đạt yêu cầu theo quy định.
Nhiều vấn đề nóng được báo chí quan tâm
Tại buổi họp báo, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến một số vấn đề nóng của tỉnh. Trong đó, một số nhóm vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là: Kế hoạch, lộ trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; chiến lược thu hút các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn lớn trong nước đầu tư vào Đồng Nai; công tác quản lý tài sản công, đất công và công tác đấu giá các khu đất công; tiến độ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, phương án của tỉnh để giữ danh hiệu “thủ phủ chăn nuôi”; tiến độ di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1; mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 10% liệu có quá cao; Đồng Nai sẽ có giải pháp gì để đạt được mục tiêu này?
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐ-TB-XH) Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định thông tin về việc 50.000 – 60.000 lao động rời khỏi tỉnh là không chính xác. Theo thống kê đến cuối tháng 11/2024, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại Đồng Nai đạt hơn 835.000 người, tăng 48.000 so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp lớn trên địa bàn không báo cáo tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối năm, việc tuyển dụng mới gặp khó khăn do người lao động có xu hướng về quê, dù nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá cao, dao động từ 6.000 – 7.000 lao động mỗi tháng.
Về vấn đề lương và thưởng tết, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết qua khảo sát tại 360 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, đa phần các doanh nghiệp duy trì mức thưởng tết từ 1 – 1,5 tháng lương, tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2023. Các doanh nghiệp đã công bố kế hoạch lương, thưởng tết và nhận được sự đồng thuận từ phía người lao động. Điều này cho thấy sự ổn định trong thu nhập của người lao động dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn.
Liên quan đến việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, đến nay chỉ còn 936 lao động không theo doanh nghiệp chuyển địa điểm làm việc. Những lao động này chủ yếu đề xuất các chính sách hỗ trợ hiện hành như hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ đào tạo nghề hoặc vay vốn chuyển đổi nghề. Do số lượng lao động bị ảnh hưởng không lớn, Đồng Nai sẽ tiếp tục hỗ trợ theo các chính sách hiện có, thay vì xây dựng thêm chính sách riêng. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người lao động và hỗ trợ họ ổn định cuộc sống.
Về vấn đề thu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phan Trung Hưng Hà cho biết hiện nay tỉnh cấp mới 87 dự án với tổng vốn đăng ký 735,33 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2023 tăng 33,8% về số dự án và tăng 31,3% về vốn đăng ký cấp mới). Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng, dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,21% so với cùng kỳ.
Năm 2025, UBND tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 10%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 157,8 triệu đồng/người (năm 2024 ước đạt 148,94 triệu đồng/người). Cũng theo Hà, Sở KH-ĐT sẽ xây dựng kịch bản cụ thể để thực hiện quyết tâm này của Tỉnh ủy.
“Trước mắt, Đồng Nai đang thực hiện nhiều dự án hạ tầng kết nối và các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh. Các dự án sẽ thu hút vốn đầu tư, góp phần tăng chỉ tiêu phát triển cho tỉnh”, ông Hà chia sẻ.
Phong Nguyên